Chiến thắng nối tiếp chiến thắng, những ngày qua, những con người Việt Nam đã đua nhau “nở hoa” tại Paralympic Rio 2016 - đấu trường thể thao lớn nhất thế giới dành cho người khuyết tật. Sau tấm Huy chương Vàng cùng thành tích phá kỷ lục thế giới của Lê Văn Công trong môn cử tạ là Huy chương Đồng của nữ VĐV Đỗ Thị Linh Phương (cử tạ), Huy chương Bạc của Võ Thanh Tùng (bơi) và Huy chương Đồng của Cao Ngọc Hùng (ném lao).
Nếu như màn trình diễn lắp những mảnh ghép biểu tượng trong Lễ khai mạc của Paralympic Rio như một tuyên ngôn về sự đóng góp của người khuyết tật để thể thao và cuộc sống luôn đủ đầy thì những thành tích xuất sắc của các VĐV Việt Nam đã thể hiện rằng họ chính là những mảnh ghép tươi sáng của đất nước, con người Việt Nam trong thể thao nói riêng và cuộc sống nói chung cùng muôn sắc màu nhân loại.
|
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Truyền thống và niềm tin vào nghị lực phấn đấu để người khuyết tật nhưng không khuyết tài đã thành hiện thực trong lĩnh vực thể thao đỉnh cao. Chính họ đây, người chữa đồ điện tử dân dụng, bán vé số, người làm sơn mài… ai cũng vất vả vượt lên để kiếm sống, đóng góp cho gia đình và xã hội. Giản dị, thân thương mà đáng khâm phục biết bao những con người khiếm khuyết về thể xác đã là một phần máu thịt hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Những thầy cô giáo, những hiệp sĩ công nghệ thông tin, những người chủ, công nhân chế biến, may mặc, trang trại, những nhân viên cửa hàng, những người thợ thủ công, nông dân cần cù chịu khó… Vô vàn thương binh, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam đã trở thành những con người sáng tạo, nhân tố tích cực trong nhiều lĩnh vực, trong các cộng đồng. Chúng ta tự hào về họ và chúng ta cũng có thể tự hào về sự chung tay góp sức của mỗi người để đỡ đần mỗi con người không may mắn giảm bớt khó khăn và có được cuộc đời có ích. Thành tích thể thao đỉnh cao hôm nay của các VĐV không chỉ cổ vũ những người khuyết tật mà còn là động lực để mỗi người chúng ta vừa cố gắng hơn nữa cùng Nhà nước và các cộng đồng giúp đỡ thiết thực những người thiệt thòi, khiếm khuyết, mặc cảm, vừa là nguồn động viên tinh thần chính mình để đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Đặc biệt khi đây đó vẫn còn những con mắt bàng quan, thiếu công bằng, dị nghị này nọ đối với những người khuyết tật thì càng cần thiết những thái độ, những hành động nhân hậu, thân thiện để đạo lý “Thương người như thể thương thân” thấm sâu hơn nữa trong mọi mạch nguồn cuộc sống.
20 năm từ khi bắt tay thực hiện chủ trương xây dựng thể thao đỉnh cao của người khuyết tật hướng tới mục tiêu thi đấu quốc tế, chúng ta đã gặt hái được những thành quả xứng đáng với những nỗ lực chung của Nhà nước và xã hội, xứng đáng với tấm lòng và tài năng của các HLV, VĐV ưu tú của chúng ta. Công bằng nhìn lại, đó là một bước tiến lớn song chưa phải là chúng ta đã xây được nền móng rộng và chắc cho các hoạt động tập luyện TDTT nói chung và thể thao đỉnh cao nói riêng cho người khuyết tật. Rất đáng tuyên dương các trung tâm đi đầu như: Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật Hà Nội và Trung tâm Văn hóa thể thao quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng tiếc rằng những câu lạc bộ, trung tâm như vậy còn quá ít trên đất nước ta. Đó là thực tế mà Nhà nước, chính quyền, đoàn thể các cấp và xã hội cần và có thể quan tâm hơn nữa để nhân lên thành quả hôm nay và quan trọng hơn, thúc đẩy hoạt động TDTT của người khuyết tật phát triển hơn nữa. Đó là cơ sở cho những hy vọng ở những mùa thi đấu bội thu trong tương lai./.
Theo QĐND