Bóng đá phủi, futsal và V-League

09:09, 23/09/2016
Chủ nhật (18-9) vừa qua là một ngày khá đặc biệt của bóng đá Việt Nam. Đó là ngày trên mạng xã hội ngập tràn những dòng chúc mừng đội tuyển futsal Việt Nam vượt qua vòng đấu bảng World Cup ngay trong lần đầu tham dự (mặc dù đến ngày 21-9 tuyển futsan Việt Nam đã dừng bước trước tuyển futsan Nga, khi thua với tỷ số 0-7).
 
Đó là ngày ở Hà Nội, giải bóng đá phủi có tên rất hoành tráng “Ngoại hạng phong trào” (HPL) khai mạc mùa thứ 4 với hơn 7.000 khán giả đến sân ngay ở thời điểm mà cách đó không xa, trên sân Hàng Đẫy chỉ có vài nghìn người đến chứng kiến lễ đăng quang của Hà Nội T&T tại vòng đấu cuối cùng V-League. Cũng trong buổi chiều đó, ở sân Lạch Tray (Hải Phòng), gần 3 vạn khán giả nhuộm đỏ các khán đài, hàng nghìn người lao xuống sân tung hô các cầu thủ của họ vốn còn chưa lau kịp những giọt nước mắt tiếc nuối vì không thể vô địch V-League lần đầu tiên trong lịch sử.
 
Chúng tôi gọi đó là ngày đặc biệt của bóng đá Việt Nam bởi sức sống mãnh liệt của nó. Bóng đá Việt vẫn đang sống trong lòng khán giả, vẫn đủ sức đưa họ đến sân, khiến trái tim họ thổn thức cùng nhịp bóng lăn. Nhưng hạnh phúc là một tấm chăn hẹp. Rất kỳ lạ khi bóng đá phủi, đội tuyển futsal và một trận chiến của máu, nước mắt mới được chú ý, yêu mến chứ không phải là buổi lễ đăng quang của nhà vô địch quốc gia. Người hâm mộ bóng đá cho thấy sự chọn lựa của họ với thứ bóng đá “chơi để cống hiến, chơi để tận hưởng” chứ không phải là những danh hiệu.
Ảnh minh hoạ/ Internet
Ảnh minh hoạ/ Internet
Hơn 9 năm trước, khi bắt tay vào làm bóng đá futsal, bầu Tú (ông Trần Anh Tú) có một niềm tin rằng việc dự World Cup hoàn toàn là điều có thể bởi những tố chất của cầu thủ Việt và sự phát triển sâu rộng của bóng đá phong trào. 4 năm trước, những nhà tổ chức của giải HPL (vốn là phóng viên thể thao và cựu cầu thủ) quyết định thực hiện một giải phong trào theo chuẩn mực V-League, bởi họ cũng tin rằng nếu làm tốt, khán giả sẽ đến sân và giải đấu sẽ sinh ra tiền. Những niềm tin đó đã được đền đáp, nó khác hẳn với những khán đài trống vắng người xem ở giải đấu số 1 Việt Nam V-League luôn ở cảnh chợ chiều về chất lượng và tính cống hiến. Thật trớ trêu thay, hàng chục trận đấu tại V-League trong mùa giải vừa qua chỉ đón có khoảng 1.000 khán giả đến sân, thua xa với các trận banh phủi tại Hà Nội.
 
Bóng đá đỉnh cao Việt Nam đã đánh mất niềm tin từ người hâm mộ, quan trọng hơn là mất niềm tin vào chính mình. Cả một mùa giải V-League luôn đặt trong tình trạng hồi hộp, không biết có kết thúc đúng lộ trình hay không. Số lượng trọng tài ngoài mùa này được mời sang nhiều gấp đôi 2 mùa trước cộng lại, càng cho thấy mối lo của những nhà tổ chức và phần nào đó phô bày một sự thật về tính trung thực của các trận đấu. Nó khác hẳn thứ niềm tin mà người hâm mộ Việt Nam đặt vào đội tuyển futsal tận bên trời Nam Mỹ xa xôi về khả năng tạo ra những cơn địa chấn.
 
Niềm tin không mất đi, nó chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.
 
Công bằng mà nói, chẳng có nền bóng đá phát triển nào mà người hâm mộ chỉ quan tâm đến futsal hay bóng đá phủi. Nhưng… có còn hơn không, cũng là để giữ lại khán giả cho bóng đá nội và đó là một bài học cho những người quản lý bóng đá đỉnh cao. Bóng đá chỉ phát triển nếu có khán giả. Khán giả chỉ tin vào những cách làm đúng đắn lâu dài, những quyết tâm mạnh mẽ biến giấc mơ thành hiện thực thay vì phải phập phồng với các trận đấu thật - giả và sự thất thường của cầu thủ bóng đá sân cỏ./.
 
Theo SGGP


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com