Đô vật Vũ Thị Hằng không thể thi đấu do chấn thương tái phát

07:08, 18/08/2016

Tối 17-8 (theo giờ Việt Nam), đô vật Vũ Thị Hằng đã không thể dự thi đấu môn vật ở hạng 48 kg nữ vì tái phát chấn thương. Các cán bộ y tế của Đoàn thể thao Việt Nam và Tiểu ban Y tế của Ban tổ chức môn vật Ô-lim-pích Ri-ô 2016 đã xem xét và xác nhận chấn thương cột sống của nữ đô vật Việt Nam tái phát và không thể thi đấu, vì có thể dẫn đến nguy hiểm.

Vũ Thị Hằng là một trong những hy vọng thành tích của thể thao nước ta vì trước đó đã thi đấu xuất sắc tại vòng loại Ô-lim-pích 2016 để giành suất đến Bra-xin. Như vậy, Đoàn thể thao Việt Nam chỉ còn lại nội dung thi đấu vật tự do 63 kg nữ của đô vật Nguyễn Thị Lụa vào sáng nay 18-8.

Điền kinh Nga bị tước HCV Ô-lim-pích Bắc Kinh 2008

Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế (IOC) vừa thông báo tước HCV Ô-lim-pích Bắc Kinh 2008 của đội tuyển điền kinh Nga ở nội dung 4x100m tiếp sức nữ. Quyết định án phạt được đưa ra khi VĐV Iu-li-a Che-mô-san-cay-a của đội chạy tiếp sức Nga có phản ứng dương tính với đô-pinh theo kết quả kiểm tra bằng phương thức mới. Cũng vì vậy, kết quả thi đấu của VĐV tại Thế vận hội cách đây tám năm đã bị hủy bỏ, đồng nghĩa với việc cả ba đồng đội còn lại của Iu-li-a trong đội chạy tiếp sức cũng phải trả lại HCV. IOC đề nghị Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAAF) sửa lại kết quả của cuộc đua, trao HCV cho đội tuyển Bỉ và đôn đội tuyển Ni-giê-ri-a nhận HCĐ.

Thể dục dụng cụ Trung Quốc “trắng” HCV

Sau hai kỳ Ô-lim-pích 2008 và 2012 thống trị tuyệt đối các bộ huy chương ở môn thể dục dụng cụ (TDDC), kỳ Ô-lim-pích lần này, đội tuyển TDDC Trung Quốc đã rời Thế vận hội mà không có HCV và HCB. Đây cũng là thành tích thấp nhất trong vòng 32 năm, tính từ Ô-lim-pích 1984 đến nay của đội tuyển này khi chỉ đoạt hai HCĐ nội dung đồng đội nam và đồng đội nữ. Trong khi đó, môn cầu lông của Trung Quốc (được đánh giá mạnh nhất thế giới) cũng liên tiếp thất bại ở nội dung đơn nữ, đôi nam nữ, đôi nữ. Qua đó có thể thấy “ngai vàng” lâu nay của cầu lông Trung Quốc trên thế giới đang bị lung lay và khoảng cách với các “thế lực cầu lông” khác đang dần thu hẹp.

Bị cắt một lá phổi, vẫn giành HCV

Trong hai VĐV của Ác-hen-ti-na đoạt HCV nội dung đua thuyền Narca 17 tại Ô-lim-pích Ri-ô 2016, VĐV Xan-ti-a-gô Lan-gơ bị phẫu thuật cắt lá phổi trái cách đây một năm vì ung thư. Đây cũng là kỳ dự Thế vận hội thứ sáu của VĐV này. Bằng ý chí và nghị lực sống phi thường, Lan-gơ đã tiếp tục tập luyện sau phẫu thuật năm ngày bằng đi xe đạp và tập chèo thuyền trở lại sau đó một tháng. Lan-gơ chia sẻ: “Thể thao đã giúp tôi rất nhiều. Tôi không chỉ học được cách lướt sóng từ đua thuyền mà còn biết vượt qua những thời điểm khó khăn, đứng lên và tiến lên phía trước”.

Thể thao học đường tạo nền tảng cho thể thao đỉnh cao

Với gần 30 HCV giành được đến thời điểm hiện tại, đoàn Mỹ đã thể hiện sức mạnh thể thao đỉnh cao dựa trên nền tảng phát triển của thể thao học đường. Điều này có thể thấy qua việc có gần 80% số VĐV của đoàn thể thao Mỹ là sinh viên hoặc xuất thân từ những giải thi đấu và các câu lạc bộ thể thao sinh viên, trong đó có 44 VĐV ở môn bơi lội và 125 VĐV ở môn điền kinh. Nổi bật nhất trong số đó là “kình ngư” Ca-ti Lê-đếch-ki đang là sinh viên Đại học Stanford đoạt tới bốn HCV bơi lội và VĐV bơi Ri-an Mớc-phi đoạt ba HCV.

Hai VĐV chấn thương giúp nhau cùng về đích

VĐV người Mỹ A-gốt-xti-nô và VĐV người Niu Di-lân Ham-blin dù chỉ nằm ở nhóm VĐV cuối cùng về đích, nhưng họ đã được đặc cách vào thi đấu chung kết ở nội dung chạy 5.000 m nữ do có hành động đẹp trong thi đấu. Trên đường đua, do Ham-blin bị ngã cho nên A-gốt-xti-nô vướng chân ngã theo. Mặc dù bị đau sau cú ngã, nhưng Ham-blin đã dừng lại đỡ A-gốt-xti-nô dậy và dìu VĐV này tiếp tục tập tễnh chạy về đích. Cảm động với sự giúp đỡ của Ham-blin, VĐV người Mỹ đã thốt lên với báo chí: “Cô gái này chính là tinh thần Ô-lim-pích, cô ấy đã động viên tôi đứng dậy”.

Trang web của Ban tổ chức Ô-lim-pích Ri-ô có nhiều sai sót

Những ngày thi đấu cuối, trang web của Ban tổ chức Ô-lim-pích Ri-ô 2016 xảy ra nhiều trục trặc. Riêng chiều qua, hầu hết các nội dung đăng tải trong chương trình thi đấu và kết quả đại hội đều bị xáo trộn. Trên bảng xếp hạng, HCV biến thành HCĐ và ngược lại. Ở môn điền kinh, nhiều VĐV có thành tích thấp song vẫn được thông báo là phá kỷ lục Ô-lim-pích. Có thời điểm, ở các nội dung môn thể dục dụng cụ, các VĐV như Vơ-ni-ai-ép (U-crai-na) giành HCV xà kép, VĐV người Mỹ Bin Si-mông giành HCV tự do, VĐV Pha-bi-an (Đức) giành HCV xà đơn đều đổi mầu thành HCĐ. Trong môn cầu lông, trận tranh HCĐ đôi nam nữ giữa hai cặp VĐV của Trung Quốc thì cặp thắng đã được "trao"... HCV.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com