Hầu hết những môn thuộc Ô-lim-pích cuối cùng cũng được Ma-lai-xi-a đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games 2017, cho dù nhiều nước còn chưa hết ấm ức vì một số nội dung bị giản lược. Nhưng như thế hãy còn may, bởi cứ ngỡ nước chủ nhà Ma-lai-xi-a quyết tâm thu gọn điền kinh, bơi lội, cử tạ, bắn súng, đấu kiếm để tăng thêm “chất” cho hội làng SEA Games với các môn thể thao truyền thống của họ.
Họp bàn của Hội đồng thể thao Đông Nam Á trước mỗi lần quyết định số lượng môn và nội dung thi đấu của Đại hội khu vực thường gay gắt và lắm tranh cãi. Nhưng mặc kệ, nước nào đăng cai sự kiện này đều có quyền giảm số lượng môn, trừ khi đạt được thỏa thuận riêng về việc chia chác huy chương ở bên lề cuộc họp.
Đến như điền kinh, môn thể thao vốn được ví là “nữ hoàng”, là căn bản của hầu hết những môn thể thao còn lại cũng nằm trong diện bị xét duyệt cắt giảm nội dung, trong khi đấy là điều chưa có trong tiền lệ những Đại hội thể thao hàng đầu châu lục và thế giới. Đấu kiếm mãi đến phút 90 mới được đưa vào chương trình, nhưng từ 12 bộ huy chương phải rút xuống còn một nửa. Chuyện khó tin ấy vừa xảy ra ở Đông Nam Á.
Vì nhiều nước chỉ trích, nên rốt cuộc nước chủ nhà của kỳ SEA Games lần thứ 29 đành giữ lại, nhưng có thể sẽ loại vài nội dung họ không có hy vọng tranh đoạt thành tích, khi dư luận khu vực tạm lắng xuống. Lý do thì có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là lời than vãn thiếu thốn kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng được, hoặc cùng lắm là thỏa thuận giữ nội dung thi nhưng phải “chia” cho nước chủ nhà vài tấm huy chương để còn “có hướng phát triển trong tương lai”.
Thế đấy, muốn bỏ SEA Games đi để thay bằng một sự kiện thể thao khu vực khác, có chất lượng và tầm vóc hơn, thậm chí chỉ dành cho VĐV các nhóm môn thuộc Ô-lim-pích tranh tài để rèn luyện chờ cơ hội thử sức ở Asiad, Ô-lim-pích nhưng chẳng được. SEA Games vẫn cứ phải là dịp để các nền thể thao trong khu vực… hành hạ nhau, bằng cách này hay cách khác.
Tất nhiên, Đại hội này cũng có mặt được, tức là tạo cơ hội cho những VĐV trẻ thể hiện tài năng, giúp nhiều VĐV từ vô danh trở nên nổi tiếng. Cũng là dịp để các nền thể thao khu vực phô diễn khả năng giành càng nhiều HCV càng tốt, như một cách chứng tỏ cho sự phát triển và cường thịnh của mình.
Song chính vì quá lạm dụng SEA Games cho mục đích riêng, nên càng về sau này, chỉ có vài môn đáng xem nhờ tính tranh chấp quyết liệt, đa số còn lại trôi đi và kết thúc mờ nhạt, ít thu hút được sự quan tâm của dư luận. Mà tính công bằng và trung thực vốn là tiêu chí của mọi cuộc thi đấu thể thao đã lung lay và bị vấy bẩn bởi bóng ma doping, dàn xếp kết quả, trọng tài ép VĐV nước khác khi đấu với VĐV nước chủ nhà…
Đúng là nếu không có tranh cãi, không phát sinh chuyện bi hài thì không còn là SEA Games. Giới làm nghề trong khu vực chỉ còn biết cười trừ, vì nếu phản ứng mãnh liệt quá, khi đến lượt mình đăng cai, bạn bè trong khu vực lại xúm vào trách móc thì kể ra cũng ngượng./.
Theo SGGP