Bảo đảm an toàn cho người tập luyện thể thao

04:07, 09/07/2016
Sự phát triển phong trào TDTT tỉnh thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của các cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao: bóng đá, bóng bàn, cầu lông, trượt patin, bơi lội, quần vợt... Trong quá trình hoạt động, các cơ sở kinh doanh thể thao đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm an toàn, tạo điều kiện tốt nhất cho người tập luyện. Tuy nhiên cũng có nhiều nơi vẫn còn bỏ qua các quy định về đảm bảo an toàn cho người tập luyện.
 
Qua khảo sát cho thấy, phần lớn các cơ sở thể thao trong tỉnh đảm bảo đủ các điều kiện hoạt động theo Luật TDTT năm 2006; các thông tư của Bộ VH, TT và DL quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn, hoạt động bóng đá, bóng bàn, cầu lông... Theo đó, cơ sở tổ chức hoạt động bóng đá đều có mặt sân làm bằng cỏ nhân tạo, cỏ tự nhiên, đất bằng phẳng, trên mặt sân có đầy đủ các đường kẻ biên ngang, biên dọc, đường tròn trung tâm cấm địa, các điểm đá phạt; đảm bảo khoảng cách xung quanh an toàn, không có chướng ngại vật, khoảng cách tối thiểu từ đường biên đến hàng rào, sân liền kề là 2,5m. Các cơ sở hoạt động kinh doanh bóng bàn, phần nhiều đặt trong phòng tập kín gió, sàn tập bằng phẳng, không trơn trượt; bàn bóng làm bằng gỗ, kê chắc chắn; bảo đảm ánh sáng, có trang bị tủ thuốc, dụng cụ y tế sơ cứu ban đầu, có khu vực vệ sinh, thay trang phục và chỗ để xe… Các cơ sở hoạt động cầu lông phần lớn đều xây dựng trong nhà với mặt sân phẳng, không trơn trượt, được phủ bằng sơn, chất tổng hợp hoặc thảm có kích thước chiều dài 13,4m, chiều rộng 6,1m, đường chéo sân đôi 14,7m, chiều cao tối thiểu từ mặt sân đến trần nhà là 8m, lưới được làm từ sợi dây ni lông hoặc chất liệu tổng hợp có màu đậm, cột lưới bằng sắt, thép chắc chắn, có hệ thống điện chiếu sáng… Hiện toàn tỉnh có khoảng 30 sân quần vợt, trong đó 1/3 là hoạt động kinh doanh. Các sân quần vợt đều đảm bảo các điều kiện như mặt sân phẳng, không trơn trượt, có độ dốc thoát nước mặt sân, được phủ bằng sơn; bảo đảm ánh sáng cho tập luyện, thi đấu buổi tối với độ rọi từ 300 lux trở lên… Việc bảo đảm an toàn cho người tập luyện một số bộ môn võ như: Vovinam, Karatedo, Teawondo, Wushu... thực hiện tốt. Môn võ Vovinam ở Thành phố Nam Định do nhóm HLV: Vũ Văn Quý, Nguyễn Duy Hải, Bùi Văn Chung giảng dạy hiện tập luyện tại 3 địa điểm là phòng tập số 3 phố Bến Ngự, sân Trung tâm VH-TT thanh, thiếu niên tỉnh, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn. HLV Nguyễn Duy Hải cho biết, đặc thù của môn võ Vovinam mang tính chất đối kháng cao gồm những đòn thế đa dạng từ tay không, vũ khí, các lối phản đòn, khoá gỡ, các đòn vật, trong đó có nhiều động tác khó như kẹp cổ, bay người ra đòn… Bởi vậy để đảm bảo an toàn cho các võ sinh khi tập luyện, các CLB Vovinam đều được đầu tư mua sắm đệm, thảm lót sàn, găng tay, giáp, bao đấm với tổng mức đầu tư hàng chục triệu đồng. 
Phòng tập võ Vovinam tại số 3 phố Bến Ngự (TP Nam Định) được trang bị thảm bảo đảm an toàn cho võ sinh tập luyện.
Phòng tập võ Vovinam tại số 3 phố Bến Ngự (TP Nam Định) được trang bị thảm bảo đảm an toàn cho võ sinh tập luyện.
Bên cạnh những cơ sở thể thao thực hiện nghiêm túc các quy định bảo đảm an toàn cho người tập luyện TDTT, vẫn còn nhiều cơ sở chấp hành chưa nghiêm, thậm chí bỏ qua một số quy định. Một số sân cầu lông đầu tư cơ sở vật chất hạn chế, hệ thống điện chiếu sáng không đạt chuẩn, thiếu tủ thuốc y tế… Ngoài ra, theo quy định mỗi sân cầu lông cần phải có một hướng dẫn viên có bằng cấp chuyên môn làm nhiệm vụ hướng dẫn người tập nhưng không phải nơi nào cũng thực hiện được. Điều kiện tập luyện không bảo đảm, thiếu hướng dẫn viên nên dẫn đến một số cơ sở cầu lông hay xảy ra chấn thương cho người tập do vợt vụt vào người chơi, đập cầu trúng mắt người chơi hoặc các chấn thương ở khuỷu tay, khớp gối, bong gân chân, rách cơ… Đối với cơ sở hoạt động trượt patin đều thiếu sự hướng dẫn của người có trình độ nghiệp vụ, người chơi phần lớn tự học, học qua bạn bè. Mặc dù trượt patin là môn thể thao tốc độ cao, rất dễ xảy ra chấn thương nhưng ở một số sân tập, người chơi không trang bị mũ bảo hiểm, lót khuỷu tay, đầu gối vì những vật dụng này khá đắt, lại là khoản đầu tư khá tốn kém nên các chủ điểm tập thường bỏ qua. Việc đảm bảo các điều kiện an toàn cho người tập luyện ở một số CLB thể hình, thể dục Aerobic cũng chưa thực sự được coi trọng. Nhiều CLB thể hình đầu tư cơ sở vật chất hiện đại nhưng không có người hướng dẫn tập luyện, hoặc có nhưng không có bằng cấp để hướng dẫn người tập tập đúng động tác, hạn chế chấn thương. Anh Phạm Văn Nam ở đường Hùng Vương (TP Nam Định) cho biết: “Do hình thể nhỏ nên đầu hè này tôi đăng ký tập tại một CLB thể hình trên đường Trường Chinh với mong muốn cơ thể nở nang, các múi cơ săn chắc. Tuy nhiên, từ khi đăng ký tham gia đến nay đã gần một tháng, tôi không được người của CLB hướng dẫn mà chủ yếu tự tập. Do không có người hướng dẫn nên tôi suýt bị tai nạn khi nằm đẩy tạ với khối lượng lớn, kỹ thuật không đúng bị cả đòn tạ nặng chèn ngang qua cổ. Hiện tôi đã ngừng tập ở cơ sở này và đang tìm nơi tập mới”. Đối với các cơ sở kinh doanh bơi lội, mặc dù theo quy định phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn và bố trí HLV, nhân viên y tế, nhân viên cứu hộ… nhưng trên thực tế các bể bơi không thực hiện đầy đủ. Một số bể bơi bố trí biển báo độ sâu nguy hiểm, khu vực dành cho người biết bơi, khu vực hạn chế đi lại… ở vị trí khuất tầm nhìn; các trang thiết bị cứu hộ như sào cứu hộ, phao cứu sinh… nơi có, nơi không. 
 
Trong thời gian tới, Sở VH, TT và DL, các huyện, thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật đối với các cơ sở tổ chức thể thao. Các cơ sở phải đảm bảo đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người đúng chuyên môn mới được cấp giấy phép hoạt động. Sở VH, TT và DL cần phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của các cơ sở kinh doanh thể thao, kịp thời khắc phục các sai sót để nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo an toàn cho người tập luyện./. 
 
Bài và ảnh: Thanh Ngọc

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com