Trong khi các “vị trí” trong bộ máy bóng đá Việt Nam đang làm việc rất thiếu tính chuyên nghiệp, mặc dù quy chế không thiếu, thì vị trí huấn luyện viên trưởng được nhắc đến nhiều hơn cả. Kể từ khi đội tuyển Việt Nam thi đấu ấn tượng ở SEA Games 1995 thì vị trí huấn luyện viên đã được đặt lên hàng đầu trong việc mang lại thành tích ở các giải đấu. Và đó cũng là khi mà các thầy ngoại được quan tâm, tạo ra làn gió mới cho bóng đá Việt Nam.
Hội nhập bóng đá đã giúp nền bóng đá Việt Nam phát triển có những giai đoạn rất nhanh, nhưng sự thiếu chuyên nghiệp cũng góp phần kéo lùi sự phát triển đó. Từ khi vị trí huấn luyện viên được chăm chút, thành tích của đội tuyển cũng tăng theo. Và từ khi đó, vai trò huấn luyện viên đã được đặt ra rất cao kèm theo đó là những quyền hạn rộng lớn hơn không chỉ trong mô hình chiến thuật mà còn cả đến nhân sự. Ở các đời huấn luyện ngoại dẫn dắt, việc tuyển chọn cầu thủ gần như toàn quyền được giao cho họ, thậm chí có những cầu thủ được gọi tập trung lên tuyển làm ngỡ ngàng nhiều người vì trước đó chưa có tiếng tăm gì, nhưng dưới góc nhìn chuyên môn của thầy ngoại họ đã trở thành những thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam.
Nghĩa là vị trí, vai trò của huấn luyện viên trong sơ đồ phát triển bóng đá đã được khẳng định, nhưng huấn luyện viên đương nhiên không phải là người chịu toàn bộ trách nhiệm về sự phát triển của cả nền bóng đá. Các huấn luyện viên ngoại, do tính chuyên nghiệp cao, nên thực hiện rất nhuần nhuyễn trách nhiệm và quyền hạn của mình. Họ có thể bỏ ra hàng tháng trời để đi khắp nơi xem một cầu thủ tiềm năng đá bóng; họ có thể tranh luận nảy lửa với liên đoàn bóng đá để bảo vệ cho một cầu thủ khi cầu thủ đúng; họ cũng mạnh dạn áp dụng chiến thuật riêng và sẵn sàng chịu trách nhiệm với chiến thuật mình đặt ra… Dám làm, dám chịu trách nhiệm là biểu hiện mang tính chuyên nghiệp của các huấn luyện viên ngoại, và những vấn đề thuộc về quy chế, đạo đức, kỷ luật thì một huấn luyện viên không thể đòi hỏi liên đoàn hay bất kỳ ai khác chiều theo ý mình.
Trong khi đó, cách hành xử của một vài huấn luyện viên nội được mời dẫn dắt đội tuyển cho thấy vẫn là quan điểm cũ kỹ, thiếu trách nhiệm. Cái cách mà HLV Nguyễn Hữu Thắng phản ứng vụ treo giò Văn Quyết trước đây và cho phép tuyển thủ Công Vinh bày tỏ quan điểm phản ứng vụ treo giò Đình Luật mới đây đã càng cho người hâm mộ nhận rõ hơn điều này. Một cầu thủ sai, bị kỷ luật của liên đoàn thì không chỉ bản thân cầu thủ đó mà cả những người liên quan phải có trách nhiệm thực hiện theo từng vị trí của mình. Cũng từ vụ việc này, huấn luyện viên than phiền rằng mình không có quyền như hợp đồng ký kết, rằng liên đoàn “bẻ kèo” so với thỏa thuận… Cách nhìn này cho thấy ngoài quan điểm sai lệch về sự chấp hành kỷ luật trong một tổ chức, người hâm mộ cũng biết rằng đó là kiểu mà các huấn luyện viên bày ra để rũ bỏ trách nhiệm của mình. Nếu đội tuyển có thành tích thì công lớn thuộc về huấn luyện viên, nếu thất bại thì họ có thể đổ cho liên đoàn hay một địa chỉ khác với lý do trước đó quyền hạn họ bị hạn chế!
Khá muộn, nhưng cũng phải đến lúc quan tâm chặt chẽ hơn đến những tiêu chí của một huấn luyện viên cần phải có; việc tuyển chọn huấn luyện viên không thể dựa theo ý kiến vài cá nhân “lớn tiếng”. Đây là trách nhiệm của VFF, bởi nền bóng đá phát triển hay thụt lùi là ở liên đoàn chứ không phải huấn luyện viên./.
Theo SGGP