1. BTC V-League 2016 ban hành lệnh cấm sử dụng loa, ăm-pli công suất lớn trên khán đài, các hội CĐV bức xúc “cấm thì lấy gì mà… hét”, với lại phải định nghĩa chuyện thế nào là “công suất lớn?”.
Trước hết, cần phải giải thích cho rõ: BTC có quyền cấm đem loa vào sân. Nói đúng hơn, họ muốn cấm cái gì cũng được trong khuôn viên sân vận động, ở những trận đấu do họ quản lý nếu điều đó có ảnh hưởng đến trận đấu. Trên thực tế, việc cấm này không theo luật lệ quốc tế nào cả, ở mỗi quốc gia, mỗi giải đấu cụ thể, người ta đưa ra những quy định phù hợp. Không nên lấy dẫn chứng ở Thái Lan người ta đem loa cầm tay vào sân thì ở Việt Nam cũng nên như vậy. Đơn giản vì một khi BTC không quản lý nổi khán đài, không thể kiểm soát việc giám sát an ninh hay kiểm tra các CĐV khi vào sân thì họ buộc lòng phải cấm.
Các Hội CĐV phản ứng đương nhiên là đúng, bởi loa cầm tay là một phần trong văn hóa cổ động. Không có loa, người ta có thể dùng kèn, dùng các vật thể khác miễn sao tạo ra những tiếng ồn càng lớn càng tốt để cổ vũ cho đội nhà. Khổ nỗi, hầu hết các Hội CĐV tại Việt Nam hiện nay đều không được những CLB công nhận, tư cách lập hội cũng chưa phải đều do Nhà nước cấp phép, việc xảy ra sự cố trên khán đài cũng không thể quy trách nhiệm cho các Hội CĐV được trong khi số lượng các CĐV đến sân có tổ chức thì ít hơn tổng lượng khán giả.
|
Ảnh minh hoạ/ Internet |
2. Thế nên, chuyện cấm dùng loa công suất lớn tại V-League chỉ là chuyện nhỏ, cái đáng nói vẫn là sự
nghiệp dư của bóng đá Việt Nam.
Nói ví dụ: Nếu các Hội CĐV đều được công nhận về tư cách pháp nhân, trước mỗi trận đấu có đăng ký số lượng vật dụng cổ động để mang vào sân và tự kiểm soát, tự chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố, thì sẽ chẳng có chuyện gì để nói bởi được như vậy, việc quản lý an ninh, an toàn trên khán đài cũng nhẹ nhàng hơn với BTC sân. Đằng này, bản thân các Hội CĐV cũng đâu có quản lý được người của mình, lại thêm chuyện 1 CLB có 2-3 nhóm CĐV đối nghịch, lại đều hoạt động bán chính thức, không được ai công nhận.
Kế đến, BTC cũng không tự nhiên mà cấm loa trên khán đài, bởi thực tế là có khi người ta sử dụng nó cho các mục đích không phải là cổ động. Chửi bới: có; Bật còi hụ: có; Cường độ âm thanh quá lớn: có. Nếu không có biện pháp hạn chế, từ loa cỡ nhỏ trở thành loa cỡ lớn chỉ là vấn đề thời gian.
Bản thân cái loa chẳng có tội tình gì nếu thực sự nó chỉ giúp cho những ai có “tiếng nói nhỏ bé” trên khán đài có thể khuếch đại âm lượng của mình. Tuy nhiên, nếu nó được dùng cho mục đích khác thì không nên. Hơn nữa, nếu loa bị cấm, thì các CĐV vẫn có nhiều cách khác để cổ động cho đội nhà, bản chất đâu có gì khác biệt. Chứ nếu vì BTC cấm loa mà quyết định không đi xem bóng đá nữa thì đấy mới là chuyện đáng nói./.
Theo SGGP