1. Leicester vừa vô địch giải Ngoại hạng Anh, rồi thì đằng sau câu chuyện cổ tích của thời hiện đại, cả thế giới sẽ nhắc nhiều đến ông chủ người Thái Lan của đội bóng này. Rồi thì người ta sẽ nói về thương hiệu của Thái Lan trên thế giới, về sự lớn mạnh của bóng đá Thái Lan ở châu Á… Với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, những điều nói trên sẽ được biết đến nhiều hơn, đơn giản vì sự phổ biến của giải Ngoại hạng tại Việt Nam.
Liên quan gì ở đây? Có chứ. Người hâm mộ bóng đá Anh sẽ tiếp tục được xem Leicester thi đấu trong 3 mùa kế tiếp sau khi K+ bỏ ra hơn 40 triệu USD để mua bản quyền giải Ngoại hạng trong khi giải V-League cả mùa thu chưa đến 4 triệu USD tiền tài trợ. Xem giải ngoại hạng, tức là sẽ còn được thấy thêm nhiều ông chủ người Thái nối tiếp câu chuyện Leicester trong khi tại Việt Nam số lượng ông bầu bóng đá giờ chỉ còn đếm trên 1 bàn tay. Những doanh nhân người Thái đầu tư sang Anh, đơn giản vì ở giải quốc nội, họ đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình theo đúng mô hình của người Nhật Bản với các tập đoàn hàng đầu thế giới “chống lưng” cho các CLB tại 2 giải J-League. Họ xem đấy là trách nhiệm xã hội. Trong khi đó, tại Việt Nam, các doanh nghiệp nội địa luôn đặt ra điều kiện trước khi rót tiền mặc dù số tiền đó không quá nhiều so với chi phí dành cho tiếp thị, quảng cáo.
Cuối cùng, người hâm mộ Việt Nam sẽ nói nhiều về bóng đá Anh hơn bóng đá Việt, hoặc có chuyện gì thì cứ đem bóng đá Việt mà so với bóng đá Anh, để rồi chẳng bao giờ bỏ tiền hoặc thời gian đến xem các trận đấu V-League, nơi không phải trận nào cũng tiêu cực và kém chất lượng.
|
Các doanh nhân Thái Lan đang thành công với cuộc đầu tư ở Premier League. Ảnh: T.L |
2. Việc các doanh nhân Thái Lan đầu tư vào bóng đá Anh không đơn thuần ở khía cạnh kinh doanh. Đó là chuyện vĩ mô mà người được lợi cuối cùng, chính là người dân Thái Lan, người hâm mộ và bóng đá Thái Lan. Hãy thử tưởng tượng đến cái ngày mà các ngôi sao Thái Lan sang Anh tập luyện và thi đấu theo những “suất đặc cách”. Có thể họ chẳng đủ trình độ để trở thành một phần của Leicester, nhưng không bổ ngang, cũng bổ dọc. Trong khi đó, 3 cầu thủ xuất sắc của HA.GL và đội tuyển quốc gia Việt Nam hiện đang mài đũng quần trên ghế dự bị của… đội dự bị tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Thế cũng quá may mắn bởi là “lính” của bầu Đức, người hiếm hoi còn nhìn thấy ở bóng đá những khía cạnh lớn hơn… một cái sân bóng.
Cứ nói đến sự sa sút của bóng đá Việt so với bóng đá Thái, người ta vô cùng nhanh chóng đổ lỗi cho VFF, VPF rồi cầu thủ, VĐV, trọng tài… Chả thấy ai đặt câu hỏi: Vì sao càng ngày càng có người Việt giàu nhưng chẳng thấy tỷ phú nào đầu tư cho bóng đá hoặc thể thao nói chung như một phần trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng? Vì sao giá vé xem 1 trận đấu tại V-League chỉ hơn 1 tô phở ngon nhưng lại khiến người ta cân nhắc bỏ tiền mặc dù số tiền đó có thể tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người cũng như giúp nhiều cậu bé nghèo, thất học có thể trở thành người đàng hoàng.
Công bằng mà nói, hơn 20 năm qua, bóng đá Việt Nam làm được không ít việc. Có một giải chuyên nghiệp tương đối, có một thế hệ tài năng nay đang là những HLV tài năng, có những trận đấu được lưu danh tại châu lục… Thế nhưng, tự thân những người làm bóng đá không thể một tay xây dựng nên một nền bóng đá mạnh. Cứ lấy bài học của Thái Lan để nghiền ngẫm./.
Theo SGGP