1. Thông tin Thái Lan có thể dùng đội hình 2 đá AFF Cup 2016 thật mà như đùa, đùa mà như thật. Đơn giản vì vừa đọc thông tin, chúng ta tin ngay khi ai cũng thấy trình độ của Thái Lan đã vượt qua ranh giới khu vực sau khi đường hoàng giành vị trí đầu bảng ở vòng loại World Cup vừa qua. Nên nếu họ “bỏ” AFF Cup cũng không khó hiểu cho dù thực tế khó xảy ra điều đó với các quy định của bóng đá hiện đại ở những giải đấu trong khuôn khổ FIFA.
Ở đây chúng ta không nên sa đà vào chuyện điều đó có xảy ra hay không để rồi nghĩ đến việc nếu điều đó xảy ra thì đội tuyển Việt Nam được gì. Cái cần thấy đó là ý tưởng của những người làm bóng đá Thái Lan, hay nói cách khác, là tầm nhìn của họ.
Từ nay đến AFF Cup 2016 còn đến 7 tháng nhưng Thái Lan đã tính ngay từ lúc này, đó là chi tiết rất đáng tham khảo. Đã tính được xa như vậy thì kể cả khi dùng đội hình 2 thì Thái Lan vẫn là ứng viên nặng ký khi mà họ có đủ thời gian để chuẩn bị. Kế tiếp, đưa ra ý tưởng đó cũng đồng nghĩa với việc lãnh đạo bóng đá Thái Lan có niềm tin vào khả năng dự World Cup nên mới muốn tập trung cho một mục tiêu duy nhất.
Chắc chắn, HLV Ki-a-ti-sắc đủ tỉnh táo để biết rằng dù có tiến bộ nhanh thì các học trò của ông vẫn còn đó những giới hạn mà không ngày một, ngày hai vượt qua được. Tuy nhiên, không thử làm sao biết, không mạo hiểm thì làm sao có thể thành công. Mọi chuyện sẽ đơn giản hơn nếu Thái Lan tính đến việc vô địch AFF Cup và chờ vận may tại vòng loại World Cup, nhưng họ không nghĩ theo cách dễ như vậy. Đấy chính là vấn đề mang tính tầm nhìn.
|
Ảnh minh hoạ: Internet |
2. Và đó cũng là sự khác biệt của bóng đá Việt Nam khi so sánh với Thái Lan. Chúng ta luôn khao khát có đẳng cấp khác nhưng khi xác định mục tiêu, lại chọn phương án gần nhất. Đội U.23 dự VCK châu Á thì luôn được hy vọng sẽ tạo ra bất ngờ nhưng thực ra trong đầu lại chỉ nghĩ đến chuyện đoạt HCV SEA Games. Lãnh đạo bóng đá Việt Nam luôn cứ nhầm lẫn giữa cái gọi là tầm nhìn và cái gọi là mục tiêu. Một khi chỉ muốn lấy HCV SEA Games thì tốt nhất cũng nên khoanh vùng tham vọng tại Đông Nam Á chứ đừng nghĩ đến chuyện vào tốp 15, tốp 10 châu Á làm gì.
Nó cũng giống như chuyện sút xa ghi bàn hay là phối hợp để tìm bàn thắng vậy. Một đội bóng có năng lực thực thụ, khi có cơ hội là phải quyết định sút xa hay là chuyền bóng để tiếp cận khung thành. Sút xa là phương án ghi bàn nhanh nhất dù mang theo nhiều rủi ro bởi có thể đánh mất cơ hội và để thực hiện thì các cầu thủ cần có trình độ thực sự. Trong khi đó, có thể ví von rằng bóng đá Việt Nam hiện nay chẳng biết khi nào chuyền, khi nào nên sút, có khi tung cú sút mà cứ tưởng như chuyền bóng, chẳng đạt được kết quả nào cả.
3. Nên tạm xem sự khác biệt giữa Thái Lan và Việt Nam hiện nay đó là một bên đang tập trung vào tầm nhìn còn một bên lại mới ở mức độ làm sao cho trọn vẹn tầm bắn. Hơn một thập niên trước, Thái Lan đã chơi thứ bóng đá hiện đại với đủ mọi phương án tiếp cận trận đấu nên bây giờ, họ đã ở cái đẳng cấp tính xa đến việc dự World Cup mà bỏ qua AFF Cup. Ngược lại, trước và sau thì bóng đá Việt Nam cũng thế, hiện vẫn còn… bận tranh cãi về chuyện lối chơi, đá tiki-taka hay là phòng thủ - phản công mặc dù con người của chúng ta chẳng thể đá được kiểu nào cho thuần thục cả./.
Theo SGGP