Đầu tư cho SEA Games 31 thiết thực và hiệu quả

09:04, 22/04/2016
Sáu năm nữa, Đại hội thể thao Đông - Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) sẽ được tổ chức tại Việt Nam với khoảng 13 nghìn người thuộc 11 đoàn thể thao quốc gia trong khu vực tham gia thi đấu ở 30 môn với hàng trăm nội dung tranh huy chương. Nếu tính từ lần đầu Việt Nam đăng cai năm 2003, sau gần 20 năm chúng ta mới lại có dịp tổ chức sân chơi thể thao lớn nhất của khu vực.
 
Đây là đóng góp của Việt Nam đối với cộng đồng ASEAN và qua đó góp phần nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh đất nước, thúc đẩy thể thao thành tích cao phát triển. Ngay sau khi Việt Nam chính thức được Liên đoàn Thể thao Đông - Nam Á giao quyền đăng cai SEA Games 31, Bộ VH, TT và DL đã khẩn trương xây dựng phương án tổ chức đại hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng tính hiệu quả, phù hợp khả năng kinh tế của đất nước, tránh lãng phí, với định hướng tập trung vào những môn thể thao cơ bản. Tuy nhiên, thời gian qua vấn đề lựa chọn địa điểm tổ chức đại hội đã có những ý kiến khác nhau: chọn Hà Nội cùng các tỉnh phía Bắc hay Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam?
 
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

 

Cuối cùng, Bộ VH, TT và DL đã quyết định chọn Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc: Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc…, trong đó Hà Nội là địa điểm chính thi đấu 22 trong 30 môn thể thao dự kiến. Theo tính toán, nếu tổ chức SEA Games 31 tại Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ cần phải xây mới nhiều công trình thi đấu và khá tốn kém. Trong khi đó, Hà Nội và các tỉnh, thành phố chung quanh sẵn có cơ sở hạ tầng tổ chức SEA Games 22 và Đại hội thể thao châu Á trong nhà năm 2009 cùng nhiều trung tâm, cung thể thao, nhà thi đấu quốc gia đã được đầu tư trước đây đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó các địa phương này đã có nhiều kinh nghiệm tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế.
 
Chính vì vậy, chúng ta sẽ không phải chi quá nhiều kinh phí đầu tư xây dựng các công trình thể thao nếu lựa chọn Thành phố Hồ Chí Minh (xây mới 70-80% công trình, bao gồm cả một khu liên hợp thể thao). Sau khi có đề nghị của Bộ VH, TT và DL, UBND Thành phố Hà Nội đã nhanh chóng đáp ứng, thống nhất ý kiến về phương án tổ chức 22 môn thi đấu SEA Games 31 tại Hà Nội để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định và có phương án hỗ trợ kinh phí tổ chức đại hội.
 
Có thể nói, lựa chọn trên là hoàn toàn phù hợp và đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí và đặc biệt là không dùng nguồn ngân sách Nhà nước để xây mới các công trình thể thao phục vụ đại hội mà chủ yếu tận dụng cơ sở vật chất sẵn có và nâng cấp, sửa chữa (nếu cần thiết).
 
Được biết, trong phương án của Bộ VH, TT và DL, kinh phí dự trù ban đầu cho toàn bộ SEA Games 31 là 1.742,2 tỷ đồng (khoảng 80 triệu USD). Trong đó, 957 tỷ đồng dành cho công tác tổ chức và 785,2 tỷ đồng là chi phí đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình, trong đó tập trung chủ yếu cho Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình (108 tỷ đồng) và Cung thể thao dưới nước (48 tỷ đồng); cải tạo trường bắn súng, bắn cung, bắn đĩa bay Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội 213 tỷ đồng; Cung thể thao Quần Ngựa 40 tỷ đồng… Do không có cụm từ tám đến mười sân quần vợt theo tiêu chuẩn của đại hội, Hà Nội sẽ phải kêu gọi đầu tư theo phương thức xã hội hóa, không tính vào chi phí của đề án.
 
Tổng kinh phí này được coi là khá tiết kiệm so với kinh phí 5.000 tỷ đồng mà chúng ta đã đầu tư khi đăng cai SEA Games 22 - năm 2003 và nếu so với các nước từng tổ chức SEA Games gần đây thì lại càng ít hơn. Cụ thể, Xinh-ga-po đã chi 240 triệu USD cho SEA Games 28; Mi-an-ma chi 400 triệu USD cho SEA Games 27; In-đô-nê-xi-a chi 300 triệu USD cho SEA Games 26. Mặc dù vậy, những tính toán kinh phí nêu trên chỉ là dự trù, có thể còn trượt giá hoặc phát sinh đột biến. Chúng ta đã tính toán, tối ưu hóa để tổ chức hiệu quả và thành công đại hội, tiết kiệm cho ngân sách và phù hợp khả năng kinh tế của đất nước. Nhưng cần có một cơ chế giám sát để bảo đảm không thất thoát vốn và đội giá công trình, tránh cái cần làm thì không làm, cái không cần thì lại làm hoặc tình trạng “vẽ việc” để chi tiêu khiến kinh phí sửa chữa, nâng cấp bị đội giá, có khi tương đương xây mới như đã từng xảy ra ở nhiều công trình, nhất là trong việc chi mua trang thiết bị cho các cơ sở tập luyện, thi đấu với lý do đáp ứng tiêu chuẩn đại hội.
 
Trước mắt, ngành Thể dục - thể thao cần rà soát kỹ lưỡng các công trình phục vụ cho đại hội để lên kế hoạch tu sửa, nâng cấp và xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ trong quá trình đầu tư xây dựng, kiểm tra chất lượng công trình, ưu tiên cho những công trình phục vụ cho các môn thể thao Ô-lim-pích như định hướng đầu tư trọng tâm đã đề ra. Bên cạnh đó, ngành và từng địa phương nên có sự tính toán để có phương hướng khai thác hiệu quả các công trình sau đại hội, góp phần đẩy mạnh phong trào thể thao, nâng cao thể lực và sức khỏe nhân dân./.
 
Theo nhandan.com.vn
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com