Cho đến thời điểm này, sau các giải đấu mang tính chất vòng loại, Việt Nam đã có 9 vận động viên đoạt vé chính thức tham dự Ô-lim-pích Ri-ô tại Bra-xin năm 2016. Con số vận động viên này có thể sẽ dài thêm, nhưng điều đó cũng cho thấy thể thao Việt Nam đã có những bước đầu tư phát triển hiệu quả hơn.
Vận động viên mới đoạt thêm vé là Nguyễn Thành Ngưng, khi anh thi đấu thành công ở nội dung 20km ở giải đi bộ châu Á. Đồng thời, vận động viên môn vật Vũ Thị Hằng cũng chiến thắng trong trận bán kết nội dung 48kg nữ ở giải châu Á diễn ra tại Ca-dắc-xtan, để nối bước đàn chị Nguyễn Thị Lụa có suất đến Ô-lim-pích. Như vậy, đã có 3 vận động viên cử tạ, 2 bắn súng, 1 bơi lội, 1 đi bộ và 2 vận động viên môn vật của Việt Nam giành vé chính thức đến thế vận hội. Họ đều là những người ưu tú, có quá trình tập luyện bền bỉ để đạt được kết quả như hôm nay.
Nhìn lại lịch sử Ô-lim-pích, chỉ năm 1980 tại Mát-xcơ-va, Việt Nam tham dự 31 vận động viên. Đến các kỳ sau đó, số lượng vận động viên tham dự không nhiều bởi tiêu chuẩn ngày càng khắc khe. Riêng tại Ô-lim-pích Bắc Kinh 2008, chúng ta tham dự 21 vận động viên và vận động viên cử tạ Hoàng Anh Tuấn đã xuất sắc đoạt huy chương bạc hạng cân 56kg. Đây cũng là huy chương bạc thứ hai sau tấm huy chương bạc mà Trần Hiếu Ngân có được ở môn teakwondo hạng cân 57kg tại Ô-lim-pích Xít-ni 2000. Điều này cho thấy, để có được tấm huy chương danh giá Ô-lim-pích, đòi hỏi phải có sự đầu tư thỏa đáng của ngành thể thao và quá trình khổ luyện bền bỉ của các vận động viên.
Vấn đề là chúng ta cố gắng để ngày càng có nhiều vận động viên đạt chuẩn Ô-lim-pích, nhưng ngược lại thể thao nước nhà sẽ được gì khi ngày càng hội nhập sâu hơn với thế giới. Điều này nằm trong định hướng chiến lược đầu tư của ngành để tránh lãng phí cũng như đầu tư dàn trải. Một số nước khu vực Đông Nam Á hiện nay như Xinh-ga-po, Thái Lan đã tập trung đầu tư cho các môn Ô-lim-pích. Họ biết tận dụng các lợi thế sẵn có, tham gia các giải đấu trong khu vực có chọn lọc, trong đó ưu tiên cao nhất cho các môn thuộc hệ thống Ô-lim-pích. Thậm chí, khi tham dự SEA Games, họ cũng tập trung cho các môn thế mạnh nằm trong hệ thống thế vận hội, sẵn sàng bỏ qua các môn mang tính “hội hè” khác để tránh lãng phí. Ngược lại, khi hội nhập càng sâu hơn với thế giới, nền thể thao các nước này có điều kiện phát triển tốt hơn thấy rõ từ thể thao phong trào cho đến thể thao thành tích cao.
Nếu chúng ta tận dụng tốt cơ hội này, có cái nhìn và xây dựng định hướng tốt thì hội nhập Olympic sẽ góp phần thúc đẩy rất nhanh nền thể thao nước nhà phát triển. Thể thao Việt Nam hội nhập trở lại sau nhiều nước, nhưng không quá ngắn để chúng ta vẫn còn tâm lý phải dàn đều các môn. Từ những vận động viên đoạt vé Ô-lim-pích hôm nay sẽ là cơ hội và điều kiện để đầu tư mạnh mẽ hơn vào các môn này nhằm phát triển một nền thể thao có chiều sâu và giàu nội lực./.
Theo SGGP