Bây giờ mới đúng quy trình?

09:03, 04/03/2016
1. Nếu để ý, nhiều người sẽ thấy liên quan đến việc ký hợp đồng với HLV Nguyễn Hữu Thắng lại xuất hiện vai trò của Tổng cục TDTT khá đậm. Ngay cả khi VFF dự kiến ký hợp đồng ngay trước V-League khai mạc, cũng phải lùi lại đợi Tổng cục phê duyệt. Và cũng rất hiếm hoi, lãnh đạo Tổng cục lại có những ý kiến công khai đánh giá về tân HLV trưởng của đội tuyển Việt Nam. 
 
Nghịch lý ở chỗ: Đây là lần đầu tiên Tổng cục không hề chi tiền trả lương cho HLV trưởng của ĐTQG. Cần phải hiểu rằng, cho dù VFF là người chọn lựa và trả phần lớn tiền lương thì trên về mặt nguyên tắc, HLV trưởng là “người của Nhà nước” bởi các đội tuyển là “tài sản quốc gia”. Thế nên mới có người thắc mắc: Khi phải bỏ tiền ra trả lương cho các HLV ngoại thì chẳng thấy vai trò của Tổng cục đâu cả, ngược lại, dù chỉ là HLV nội, lại không tốn tiền, thì tiếng nói của Tổng cục lại mang tính quyết định?
 
Ảnh: Internet
HLV Hữu Thắng.
Ảnh: Internet
2. Theo chúng tôi, có 2 lý do: Thứ nhất, thế và lực của VFF bây giờ kém quá. Tiếng nói của họ đối với cơ quan quản lý Nhà nước không còn giá trị 100% như trước mà có lẽ chỉ còn tầm 80-90%. Tất nhiên là có nguyên do, chủ yếu xuất phát từ việc bấy lâu nay “tự quyết” nhưng kết quả chẳng được bao nhiêu nên bây giờ, bị Tổng cục kiểm soát lại quyền hạn. Lý do thứ hai, đấy có thể là việc ký hợp đồng với HLV Hữu Thắng bây giờ mới đúng quy trình chứ các đời HLV trước, toàn làm không đúng. Vai trò của Tổng cục TDTT không phải bây giờ tự nhiên xuất hiện mà có thể trước đây, cơ quan quản lý Nhà nước đã không thực sự thể hiện trách nhiệm của mình. Nói cách khác, bây giờ thì Tổng cục mới… sửa sai.
 
Và chúng tôi tin rằng, lý do thứ hai là đúng hơn. Bởi theo nguyên tắc, bất kỳ hành động gì của VFF luôn có gửi báo cáo cho Tổng cục chứ ít khi có chuyện “qua mặt”. Có thể vì “tin” VFF quá nên đôi khi Tổng cục lơ là, nhưng cái chính là vai trò của cơ quan này quá mờ nhạt. Điều này rất dễ nhận thấy dưới triều đại của HLV Miura và VFF khóa 7. Rất nhiều lần bản danh sách triệu tập cầu thủ của ông Miura có vấn đề khi gọi một vài cầu thủ đang dính kỷ luật nhưng cứ VFF trình lên thì coi như là được duyệt. Rồi như chuyện một Phó Chủ tịch VFF “kêu cứu” ngay cuộc họp của ngành, nói thẳng là Tổng cục cần “đi sâu, đi sát” hơn. 
 
3. Câu hỏi đặt ra: Sau khi thể hiện đúng vai trò, liệu có sự can thiệp mạnh nào của Tổng cục với VFF hay không trong tương lai?
 
Để trả lời câu hỏi này, cần nhìn lại “nội lực” của VFF. Cho đến lúc này, không thấy bất kỳ nhà chuyên môn nào của VFF lên tiếng đánh giá về các lý do chọn HLV Nguyễn Hữu Thắng cả, đó là điều bất thường. Kế đến, nhân vật chính trong bản hợp đồng này lại là Phó Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, người liên quan đến chuyện tài chính. Rất dễ nhận thấy tiếng nói chuyên môn của VFF là cực kỳ mờ nhạt. Điều đáng nói hơn là từ khi ông Mai Đức Chung nghỉ việc, Tổng cục TDTT cũng gần như không có chuyên gia hàng đầu chuyên quản lý về công tác chuyên môn bóng đá, tức là đã “khoán trắng” cho VFF. Xem ra, chính VFF đã tự đẩy mình vào thế phụ thuộc cơ quan quản lý Nhà nước chứ không ai khác./.
 
Theo SGGP


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com