Thách thức đang chờ đón thể thao Việt Nam trong năm 2016. Những điều chưa làm được trong năm cũ chắc chắn sẽ trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh phải cạnh tranh khốc liệt cùng bạn bè quốc tế ở các giải đấu “vớt” tính chuẩn Ô-lim-pích.
Đầu năm mới 2016, thể thao nước nhà đã tất bật chuẩn bị nhân sự, bắt đầu bằng việc triệu tập các đội tuyển quốc gia, sắp xếp kế hoạch tập huấn và thi đấu nước ngoài, đánh giá và chọn lựa giải đấu phù hợp để giúp VĐV phát huy hết năng lực và giành vé. Sẽ có khoảng 56 VĐV xuất sắc được hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt trong năm 2016 (400 nghìn đồng/người/ngày tiền công và 400 nghìn đồng/người/ngày tiền dinh dưỡng).
Lúc này, trong số những cá nhân xuất sắc được chọn cho cuộc đầu tư lớn ở môn điền kinh, gần là mục tiêu đến Ô-lim-pích 2016 và xa là tranh chấp HCV ở Asiad 2019 như Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Nguyễn Thị Huyền, Lê Trọng Hinh, Nguyễn Thị Oanh đã xuất ngoại hoặc đưa vào chương trình chuyên biệt. Ít nhất là phải giữ được 2 suất chính thức mà Nguyễn Thị Huyền lấy ở SEA Games 28 hồi năm ngoái. Tất nhiên, bản thân mỗi VĐV cũng tự ý thức nếu họ hoàn thành giấc mơ đến Ô-lim-pích bằng tài năng của mình cũng chính là đang khiến thể thao Việt Nam tự hào, hãnh diện. Sẽ có khoảng 3-4 giải đấu tầm châu lục để các tuyển thủ điền kinh chọn lựa và dồn hết tâm sức nhằm lấy chuẩn Ô-lim-pích.
Bơi lội vẫn chưa chốt danh sách, ngoại trừ các suất của Nguyễn Thị Ánh Viên. Các gương mặt được kỳ vọng như Hoàng Quý Phước, Lâm Quang Nhật, Trần Duy Khôi, Nguyễn Diệp Phương Trâm… còn phải gắng sức nhiều gấp bội nếu muốn đạt đến thành công như người đồng nghiệp của mình.
Khi cử tạ đã vượt chỉ tiêu với 3 suất chính thức, bắn súng cũng đã sở hữu 2 tấm vé thì gian nan đang dồn về phía đội tuyển thể dục dụng cụ và Taekwondo. Nhiều người đã sốc khi “cô gái vàng” Phan Thị Hà Thanh không thể điền tên mình sớm hơn vào danh sách đến Ri-ô đờ Gia-nê-rô 2016 ở giải vô địch thế giới năm ngoái. Tương tự là các trường hợp của Phạm Phước Hưng và “hiện tượng” Đinh Phương Thành.
Tuy nhiên, chấn thương đã cản bước họ rất nhiều, thậm chí từng buộc Hà Thanh nghiến răng để thi đấu tại SEA Games 28 trên đất Xinh-ga-po. Chữa trị dứt điểm không dễ dàng gì và tốn kém khá nhiều thời gian, nên trong bối cảnh thể dục dụng cụ đang chạy đua từng giây, từng phút, hầu hết các VĐV đều… sống chung với chấn thương và những khó khăn khó nói khác.
Thật ra, người làm thể thao ở Việt Nam vẫn luôn nói rằng chúng ta đang sử dụng những biện pháp thô sơ để đào tạo con người thi đấu ở những giải chuyên nghiệp, nên khó mà tránh khỏi những chấn thương đáng tiếc cho VĐV. Điều này thì cũng dễ hiểu, bởi lẽ tập luyện trong nước tức là nhiều đội tuyển phải chấp nhận hoàn cảnh thiếu cơ sở vật chất, dụng cụ chuyên biệt. Hiện có 4 Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ cũng như một số địa điểm riêng lẻ khác, nhưng tất cả đều còn sơ sài và không đủ điều kiện nếu đưa ra một mức chuẩn để đánh giá.
Bản thân những nhà quản lý đều hiểu, nhưng bài ca muôn thuở “thiếu tiền” đã khiến các trung tâm, đội tuyển phải tự động co hẹp đầu tư lại, dẫn đến việc nhìn đâu cũng thấy thiếu trang thiết bị chuyên dùng. Đấy là chưa kể chúng ta không có chuyên gia dinh dưỡng và vật lý trị liệu thực sự cho các đội tuyển quốc gia. Thế nên, tình trạng chấn thương ngày càng phổ biến và ngay cả với những VĐV được đầu tư đặc biệt như Thạch Kim Tuấn, Hà Thanh, Quý Phước…
Theo SGGP