Tương lai bấp bênh

08:12, 04/12/2015
Vì từng xuất hiện rất thường xuyên trong những mùa bóng gần đây nên việc có thêm đội bóng nữa tuyên bố giải thể trở nên bình thường đối với ngay cả giới làm nghề. Thậm chí, đấy có thể chưa phải là đoạn kết cho cuộc “chảy máu” mà bóng chuyền đang hứng chịu. Sau trường hợp đội nam Quân khu 5 từ bỏ cuộc chơi hồi đầu năm, đến lượt đội nữ Cao su Bình Phước khẳng định xóa phiên hiệu vài ngày trước khi giải vô địch quốc gia 2015 khép lại. 
 
Tới đây, có thể sẽ là nữ Phòng không Không quân, nam Quân đoàn 4, Quân khu 4 hay thậm chí Biên phòng sẽ dừng lại nếu không tự chủ được tài chính theo chủ trương mà ngành TDTT quân đội đưa ra. Bóng chuyền Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất thêm những thành viên của mình.
 
Trước thực trạng này, phải chăng bóng chuyền Việt Nam đang ở giai đoạn thoái trào? Cũng có thể tạm đánh giá như vậy, dù trên thực tế, theo giải thích từ giới quản lý bóng chuyền, điều này phù hợp với xu thế phát triển mới thiên về chất lượng hơn là số lượng. Sự giải thể hàng loạt đội bóng đã tạo nên một hình ảnh không tốt cho bóng chuyền mà ở đó, người ta thật khó hình dung ra tính bền vững tồn tại như thế nào. Kéo theo đó, rất nhiều VĐV đứng trước nguy cơ thất nghiệp, từ tay đập trẻ cho đến những gương mặt chơi bóng lâu năm nếu như không có đội bóng nào giang rộng vòng tay để chào mời họ về đầu quân.
 
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
Vẫn biết các đội bóng giải thể vì nhiều lý do, hoặc do chủ trương của ngành chủ quản (như TDTT quân đội, TDTT dầu khí), hoặc vì công tác xã hội hóa, vận động tài trợ quá yếu, song những người làm công tác huấn luyện bóng chuyền có thâm niên vẫn tỏ ra nuối tiếc và thậm chí là thương cảm cho họ. Dường như giải thể là “phong trào” đang thịnh hành và phương hại đến hình ảnh của bóng chuyền - môn thể thao có lẽ chỉ kém bóng đá về sức hút và số lượng người hâm mộ.
 
Xây mới khó, xóa bỏ thì dễ quá. Những thương hiệu lớn như Thể Công, Bộ Tư lệnh Thông tin, Bình Điền Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Bình, Quân đoàn 4, hoặc có truyền thống như Biên phòng, Quảng Ninh, Giấy Bãi Bằng… được tạo dựng từ tình yêu bóng chuyền và từ trách nhiệm đối với ngành TDTT cũng như xã hội. Ngay cả các đội bóng trưởng thành muộn như Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Vietsov Petro… cũng từng được ví là một phần không thể thiếu của ngôi nhà bóng chuyền Việt Nam.
 
Song, vì khó khăn về tài chính, vì muốn co hẹp lại cuộc đầu tư sau thời gian dài tốn kém nhưng hiệu quả thu về không đáng kể, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã rút lui và chưa hẹn ngày trở lại. Điều đó vô tình đẩy bóng chuyền vào trạng thái mất cân bằng, đồng thời chỉ ra rằng rốt cuộc cuộc chơi chỉ mang tính nghiệp dư, không thể chạm tay đến hệ thức chuyên nghiệp như nhiều người từng mơ tưởng.
 
Bóng chuyền Việt Nam chủ trương rút gọn số đội dự tranh giải vô địch quốc gia xuống còn 8 đội nam và 8 đội nữ (so với 12 đội nam và 12 đội nữ như hiện nay). Thế nhưng, giới làm nghề không hề nghĩ đến phương án xấu nhất là để các đội bóng tồn tại theo quy luật tự đào thải, mà tính toán sẽ siết chặt quota lên - xuống hạng ở cuối mỗi mùa bóng, giúp chất lượng của giải đấu cao hơn, các đội bóng đầu tư tập trung hơn.
 
Vô tình, trào lưu thoái lui kể trên đang ngày một lớn dần đã “giúp” bóng chuyền Việt Nam sớm hoàn thành mục tiêu, nhưng theo cách đầy nghiệt ngã. Tương lai của môn thể thao quyến rũ này đang rất bấp bênh, nhất là khi nhìn vào đội ngũ quản lý ở Liên đoàn Bóng chuyền quốc gia nhiệm kỳ mới sắp được bầu chọn, người ta chẳng thấy nhiều niềm tin nơi đó…
 
Theo SGGP


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com