Cứ mạnh dạn là được

08:12, 25/12/2015
1. Đã có những cải tiến quan trọng ở mùa giải 2016 được VPF xây dựng để trình lên VFF, phần lớn đều là copy từ những mô hình có sẵn tại các giải đấu hàng đầu châu Âu và Nhật Bản. Ví dụ như thể thức sân khách - sân nhà từ vòng tứ kết trở đi cho Cúp quốc gia hay việc xuất hiện thêm vòng play-off để tranh vị trí thứ 14 của V-League dự giải năm 2017. Về cơ bản, các thay đổi này sẽ tăng thêm ít nhất 3 trận có một vài đội có liên quan, một xu thế có tính cấp thiết đối với tình hình tập nhiều, đá ít của các CLB chuyên nghiệp tại Việt Nam.
 
Có lẽ cũng cần thông cảm cho các nhà tổ chức mà cụ thể ở đây là Cty VPF. Muốn cải tiến thì điều quan trọng nhất là phải có thêm tiền tài trợ, qua đó kích thích các đội thi đấu nhiều hơn. Với bản hợp đồng mới cùng Toyota có mức tăng 30% thì VPF cũng mạnh dạn áp dụng một số thay đổi nói trên. Có thể nói, diễn biến của mùa bóng mới sẽ thêm vài trận đấu có ý nghĩa, dễ thu hút được người xem. 
 
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
2. Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Các mô hình thi đấu thì có đầy, chỉ cần gõ vài chữ trên Google là ra chứ chẳng cần phải cất công đi tận nơi để tìm hiểu. Nhưng ở Việt Nam, dù đến tận nơi, hỏi tận chỗ nhưng khi về nước lại chẳng áp dụng. Đây là vấn đề của tư duy chứ không phải cách làm. Có vẻ bóng đá Việt Nam cái gì cũng dám làm nhưng lại hay ngại thay đổi. Sự thụ động ấy dẫn đến việc các giải đấu rất ít động lực, hệ quả tất yếu là sẽ khó khăn trong việc tìm tài trợ do yếu tố hấp dẫn có quá ít. 
 
Số lượng của V-League là 10 hay 14, thậm chí 16 không phải là cái cần bàn, quan trọng nhất là cách thức tổ chức để làm sao tăng số đội tranh đua vô địch nhưng cũng phải “ép” cho nhiều đội phải “sợ xuống hạng”. Cái cảm giác vừa “ham hố” vừa “lo sợ” ấy sẽ tạo ra một bầu không khí đua tranh.
 
Ấy vậy mà vẫn có ý kiến từ các CLB cho rằng chỉ nên có 1 suất xuống hạng để… tránh tiêu cực. Ở thời buổi mà dân cá cược chuyển từ đánh thắng - thua sang đánh tỷ số cao - thấp mà còn lo chuyện xuống hạng nhiều thì sẽ dễ bán độ cho thấy “mặt bằng” nhận thức của các CLB vẫn thấp hơn “mặt bằng” xã hội. Tiêu cực đã biến tướng dữ dội, với nhiều nguyên nhân khác chau chứ đâu còn là vì xuống hay không xuống hạng. Chắc gì một mùa giải không xuống hạng đã yên ả hơn mùa giải có 2-3 suất phải xuống hạng Nhất?
 
3. Xem ra, Cty VPF còn phải mạnh dạn thử nghiệm nhiều hơn, khắt khe nhiều hơn, tạo ra nhiều “bộ lọc” hơn với các CLB trên tinh thần ít mà chất còn hơn nhiều mà… tròn vo, nhàm chán. Từ việc đem chuyện nội bộ ra công khai trước công luận đến việc “sợ” tiêu tực cho thấy bản thân những nhà điều hành CLB vẫn chưa thực sự nghĩ và làm bóng đá một cách chuyên nghiệp. Đến dự hội thảo thì cái gì cũng gật đầu tán thành, khi xảy ra chuyện thì chẳng cần tìm hiểu đã vội “bù lu, bù loa”. Thật khó để VPF đả thông tư tưởng cho chừng đó CLB, tốt nhất là họ cứ mạnh dạn cải tiến. Đã đến lúc ép các CLB phải tuân thủ luật chơi. 
 
Đủ sức thì tham gia, không thì cứ nghỉ khỏe. Bản chất của bóng đá chuyên nghiệp là tự nguyện và có lợi thì làm thôi./.
 
Theo SGGP


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com