Trong lịch sử Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam, chỉ có 5 lần, QBV dành cho nam đến từ các CLB vô địch quốc gia. Thậm chí, còn có những ngoại lệ mang tính hy hữu đối với bóng đá thế giới đó là có những cầu thủ được vinh danh khi CLB đang đá ở giải hạng Nhất như trường hợp của Phạm Thành Lương năm 2009.
Chi tiết này không có gì bất ngờ. Dù mỗi kỳ bầu chọn QBV gần giống như một đợt tổng kết của bóng đá Việt Nam trong một năm nhưng tựu trung, QBV vẫn là một giải thưởng tôn vinh cá nhân, tập trung vào những cống hiến của cầu thủ đối với đội bóng nhiều hơn là việc họ được nâng đỡ bởi tập thể.
Trường hợp “độc nhất vô nhị” của Phạm Thành Lương là điển hình. Năm 2009, tiền vệ này đoạt danh hiệu đầu tiên khi 21 tuổi và đang chơi cho Hà Nội ACB khi đó chỉ đứng giữa bảng của giải hạng Nhất. Tuy nhiên, Thành Lương không được bầu chọn chỉ vì những cống hiến của anh trong màu áo U.23 Việt Nam ở SEA Games mà chính từ những gì anh thể hiện tại CLB. Từ chối những lời mời chuyển nhượng, Thành Lương vẫn chấp nhận xuống đá hạng Nhất để thể hiện sự trung thành với đội bóng đã tạo ra tên tuổi của anh trong khi hàng loạt trụ cột khác rời bỏ Hà Nội ACB. Đá tại hạng Nhất nhưng hằng tuần, tên tuổi của Thành Lương vẫn được nhắc đến trên báo chí khi một mình anh gồng gánh thành tích cả đội.
Đến năm 2011, Thành Lương đoạt danh hiệu lần thứ 2 khi Hà Nội ACB nhận vé… xuống hạng Nhất (sau đó chuyển giao suất của Hòa Phát nên trụ hạng). Đó cũng là một năm không thành công của U.23 nhưng cá nhân Thành Lương vẫn nổi bật với sự tận tụy trên sân cỏ. Và cả ở 2 lần đoạt giải đó, Thành Lương đều là người chiến thắng xứng đáng.
Dấu ấn cá nhân để lại đậm nét nhất ở những lần thủ thành Dương Hồng Sơn hay hậu vệ Trần Công Minh đoạt giải. Đó là những thời điểm mà đội tuyển quốc gia chơi rất thành công, và thông thường thì những vị trí tấn công luôn được “ưu ái”. Chiến thắng của thủ môn Dương Hồng Sơn còn bất ngờ hơn khi tiền đạo đã 2 lần liên tiếp đoạt danh hiệu Lê Công Vinh chính là người đem về chức vô địch AFF Cup với những bàn thắng vàng trong trận chung kết. Thế nhưng, những người bầu chọn có lý do để chọn Hồng Sơn bởi nếu không có sự xuất sắc của thủ môn này thì chưa chắc đội tuyển Việt Nam đã vào được chung kết. Việc trung vệ Vũ Như Thành đoạt QBV ở kỳ bầu chọn năm đó càng chứng minh cho những lựa chọn dành cho Dương Hồng Sơn.
Chính vì thế, khi mà bóng đá Việt Nam có sự dàn trải khá đồng đều giữa các cấp độ đội tuyển, CLB như năm nay thì chính dấu ấn cá nhân sẽ tác động mạnh đến các quyết định của người bầu chọn. Điều này sẽ tạo cơ hội cho những cầu thủ như Anh Đức, người không có duyên với đội tuyển nhưng đang có mùa giải thăng hoa nhất sự nghiệp để đưa Bình Dương vô địch V-League dù CLB này không thiếu những ngôi sao. Tương tự, ở tuổi 30, Lê Công Vinh vẫn có cơ hội để trở thành người đầu tiên đoạt 4 danh hiệu QBV khi anh nổi bật trong màu áo tuyển quốc gia. Ngôi sao U.23 Võ Huy Toàn cũng có thể tạo bất ngờ dù SHB Đà Nẵng có thành tích không tốt tại V-League. Bản hợp đồng sang Nhật Bản thi đấu là “pha ghi bàn” giờ chót của Công Phượng, người đang là ngôi sao số 1 của giới CĐV trẻ tuổi tại Việt Nam./.
Theo SGGP