Đầu tư hiệu quả cho thể thao thành tích cao

07:11, 16/11/2015

Thể thao Việt Nam hướng đến mục tiêu có từ 15 đến 20 vận động viên (VĐV) chính thức dự Ô-lim-pích 2016 tại Bra-xin. Tuy nhiên, con số nêu trên sẽ khó thành hiện thực, thậm chí ở một số môn chúng ta có thể phải đi theo suất “đặc cách” dành cho các nước đang phát triển.

Đầu tư chưa hiệu quả

Điền kinh được nhắc nhiều nhất trong thời gian gần đây, từ thế hân hoan khi có một VĐV vượt chuẩn Ô-lim-pích là Nguyễn Thị Huyền (qua kết quả thi đấu tại SEA Games 28 vừa qua tại Xin-ga-po). Thế nhưng việc Liên đoàn Điền kinh thế giới đưa thêm quy định trao suất chính thức cho VĐV đã vượt chuẩn Ô-lim-pích phải nằm trong nhóm 48 người có thành tích tốt nhất từng nội dung mới được vé đến Bra-xin dự Ô-lim-pích 2016 thì Huyền tuy vượt chuẩn, nhưng thông số chuyên môn tại các cự ly (52 giây cự ly 400 m và 56 giây 15 cự ly 400 m rào) cách xa nhóm 48 người, cho nên chưa chắc chắn được suất chính thức. Tại thời điểm này, điền kinh Việt Nam đang phải “vắt chân lên cổ” tìm thêm giải đấu để Huyền giành được suất chính thức. Và hiện có còn cơ hội cho Huyền cải thiện thành tích? Theo ông Nguyễn Trọng Hổ, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II (Tổng cục Thể dục - Thể thao), khả năng này là khó. Bởi Huyền đang bị chấn thương, thậm chí còn không thi đấu được tại giải vô địch toàn quốc hồi tháng 10 vừa qua.

Ánh Viên là niềm hy vọng lớn nhất cho thể thao Việt Nam tại Ô-lim-pích 2016.
Ánh Viên là niềm hy vọng lớn nhất cho thể thao Việt Nam tại Ô-lim-pích 2016.

Trong một năm, ngân sách cho điền kinh khoảng 160 nghìn USD, số tiền này rất khó để đầu tư giành thành tích đỉnh cao. Năm 2014, Việt Nam cử bốn VĐV điền kinh nữ (tổ thi đấu nội dung 400 m) đi tập huấn tại Mỹ (trong đó có Huyền), tiêu tốn gần 150 nghìn USD từ sự góp sức của các nhà tài trợ, Tổng cục Thể dục - Thể thao và các địa phương chủ quản VĐV. Thế nhưng, chuyến tập huấn đó chỉ mang lại một HCB của Quách Thị Lan tại ASIAD 17 năm 2014. Hiện, điền kinh Việt Nam đang cho Quách Thị Lan và Quách Công Lịch tập huấn tại Mỹ, thế nhưng đáng tiếc là họ đã không thể giành Huy chương vàng ở SEA Games 28 vừa qua. Năm 2015, điền kinh có năm VĐV trong danh sách 48 người nhận chế độ cao (hưởng chế độ dinh dưỡng 400 nghìn đồng/người/ngày và tiền công 400 nghìn đồng/người/ngày) để tập trung cho các nhiệm vụ quan trọng. Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền nằm trong tốp này, song đến nay cơ hội để họ giành vé dự Ô-lim-pích 2016 rất mong manh. Qua đó, có thể nói việc đầu tư cho điền kinh trong mấy năm qua đã không đạt hiệu quả như ý muốn.

Môn thể dục dụng cụ (TDDC) thuộc nhóm đầu tư số một của thể thao Việt Nam cũng đang ngóng suất chính thức Ô-lim-pích 2016 từng ngày do VĐV chủ chốt phải vật lộn với chấn thương. TDDC sau năm 2012 được đầu tư đáng kể, với hy vọng giành huy chương Á vận hội và vé dự Thế vận hội, song kết quả thực tế chưa được như mục tiêu đề ra. Tuyển thủ số một Phan Thị Hà Thanh đang bị chấn thương nhưng không thể phẫu thuật vì thời gian hồi phục quá lâu, buộc phải vừa tập vừa kết hợp trị liệu. Chỉ trông đợi duy nhất vào Hà Thanh cho nên dù VĐV này chấn thương nặng vẫn phải tiếp tục thi đấu để tìm vé chính thức. Năm 2012, Hà Thanh và Phước Hưng là hai VĐV lần đầu giành suất chính thức dự Ô-lim-pích. Nhưng giờ đây điều này khó lặp lại.

Nguy cơ lại trắng tay

Tê-cuôn-đô là môn đi đầu của thể thao Việt Nam tại đấu trường Thế vận hội khi VĐV Trần Hiếu Ngân giành HCB tại Ô-lim-pích 2000. Tuy nhiên, vào lúc này, nhắc tới khả năng có thể giành suất chính thức tham dự Thế vận hội thì môn võ này lại rơi vào nhóm thứ yếu. Năm 2012, Việt Nam có hai suất chính thức tham dự Thế vận hội của Lê Huỳnh Châu (58kg nam) và Chu Hoàng Diệu Linh (67 kg). Hai võ sĩ này thua ngay vòng đầu. Sang năm 2013, tại Giải vô địch thế giới, chúng ta góp mặt 10 võ sĩ thì chỉ duy nhất Trương Thị Nhớ vào tới vòng 1/16. Giải vô địch thế giới 2015 mới đây, tê-cuôn-đô Việt Nam có chín võ sĩ tham gia thi đấu, cũng chỉ có TrươngT Thị Kim Tuyến vào tới vòng 1/16. Ở đấu trường ít sự cạnh tranh hơn là ASIAD 17 năm 2014 tổ chức tại Hàn Quốc, mặc dù rất nỗ lực đội Việt Nam cũng chỉ giành được hai HCĐ. Thành tích tốt nhất của tê-cuôn-đô Việt Nam thời gian gần đây là hai HCB ở Giải vô địch châu Á 2014. Thống kê từ năm 2012, VĐV tê-cuôn-đô Việt Nam tuy được thi đấu ở nhiều giải thế giới và châu lục, nhưng kết quả đều gây thất vọng. Điều này phản ánh khả năng chuyên môn của Huấn luyện viên và VĐV Việt Nam đã không bắt kịp châu lục nói riêng và thế giới nói chung.

Sau khi trắng tay tại Ô-lim-pích 2012, Việt Nam bước vào chu kỳ bốn năm huấn luyện mới, chuẩn bị cho thế vận hội 2016. Bước đệm cho giải đấu tầm cỡ thế giới này là ASIAD 17 năm 2014. Chúng ta tham dự Đại hội với 298 người, trong đó 199 VĐV thi đấu ở 21 môn, có 18 môn tham gia thi đấu bằng kinh phí nhà nước và ba môn tham gia thi đấu bằng hình thức xã hội hóa. Kết quả, Việt Nam chỉ giành được một HCV trong môn u-su (môn này không có trong chương trình Ô-lim-pích). Bỏ ra hàng trăm tỷ đồng mà chỉ giành được một tấm HCV châu lục, hiệu quả đầu tư cho thể thao đỉnh cao của Việt Nam rõ ràng quá thấp. Hàng trăm tỷ nữa đã và sẽ tiêu tốn thêm cho hành trình chuẩn bị Ô-lim-pích 2016. Hy vọng giành huy chương tầm thế giới giờ có lẽ chỉ trông đợi vào “kình ngư” Ánh Viên. Nổi bật ở SEA Games 28 tại Xin-ga-po, nhưng Ánh Viên chững lại về mặt thành tích tại một loạt giải đấu đẳng cấp thế giới sau đó. Với trường hợp đặc biệt này, tài năng của VĐV đã được khẳng định, kinh phí đầu tư cũng không thiếu, vấn đề là phương pháp huấn luyện. Thời gian từ nay đến Ô-lim-pích 2016 không còn nhiều, liệu Ánh Viên có thể trở thành VĐV thứ ba sau Trần Hiếu Ngân (tê-cuôn-đô), Hoàng Anh Tuấn (cử tạ) giành huy chương cho thể thao Việt Nam ở đấu trường khắc nghiệt nhưng đầy vinh quang này?

Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho thể thao Việt Nam đang bị dàn trải, thiếu trọng tâm. Mỗi năm, số tiền phân bổ cho các môn thể thao thuộc Tổng cục Thể dục - hể thao vốn hạn hẹp nhưng lại thực hiện kiểu chia đều, cho nên không đủ nguồn lực đầu tư đỉnh cao. Với cách thức phân bổ như hiện nay, thể thao Việt Nam chỉ đủ sức tập huấn, thi đấu và giành huy chương ở đấu trường khu vực Đông-Nam Á, rất ít môn tiệm cận được thành tích châu lục. Khi mà thể thao Việt Nam còn đưa ra mục tiêu “nằm trong tốp dẫn đầu” ở các kỳ SEA Games thì làm sao đủ kinh phí để vươn tầm châu lục, đặc biệt là Ô-lim-pích. Trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, việc đầu tư cho thể thao như hiện nay đã là sự ưu tiên lớn của Nhà nước. Nguồn kinh phí có hạn như thế, nếu không đầu tư trọng điểm thì thể thao Việt Nam không thể vươn ra châu lục hay thế giới. Ô-lim-pích 2016 đã cận kề, nếu không có sự thay đổi về chiến lược đầu tư cho thể thao thành tích cao, Việt Nam sẽ lại trắng tay, thậm chí ở các kỳ đại hội sau đó.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com