Đầu tư cho phù hợp

08:11, 06/11/2015
Ngành thể thao đã lên kế hoạch chuẩn bị cho 3 dự án đào tạo HLV và VĐV đối với mục tiêu dài hạn là Asian Games 2018 và Olympic 2020…
 
Đầu tư linh hoạt
 
Trong trao đổi mới nhất ngày 2-11, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - ông Trần Đức Phấn - cho biết ngành thể thao vẫn đang thực hiện đầu tư cho các VĐV nòng cốt. Tuy nhiên, chương trình trọng điểm chuyên biệt dành cho nhóm VĐV nào thì hoàn toàn chưa có. Ông Phấn cũng giải thích thêm, theo từng giai đoạn, VĐV phải thực hiện các chương trình thi đấu đạt thành tích trong các giải quốc tế quan trọng, vì vậy tiến trình được diễn ra đều đặn chứ không ép thời gian cụ thể. Thể thao Việt Nam có 10 môn nhóm 1 được hướng tới quan tâm nhất.
 
Tuy nhiên, chúng ta cũng nhắm tới khoảng 20 VĐV xuất sắc sẽ được đầu tư nhiều hơn với các môn như điền kinh (5 VĐV), bơi lội (3 VĐV), TDDC (2 VĐV), cử tạ (2 VĐV), bắn súng (6 VĐV) và đấu kiếm (1 VĐV), xe đạp (1 VĐV). Một trưởng bộ môn (xin giấu tên) của một trong những môn được đầu tư quan trọng như trên đã cho biết chương trình được đề ra hoàn toàn phù hợp. Tuy vậy, cách thực hiện sẽ phụ thuộc hoàn toàn ở từng môn. Bởi vì, dựa trên giải đấu và mục tiêu giải đấu cụ thể thì số lượng VĐV mới được hoạch định rõ ràng.
 
Điền kinh sẽ được đầu tư trọng điểm 5 VĐV. Ảnh: Hoàng Hùng
Điền kinh sẽ được đầu tư trọng điểm 5 VĐV. Ảnh: Internet
Năm 2015, thể thao Việt Nam đưa ra danh sách 48 VĐV được hưởng chế độ đặc biệt dành cho VĐV nhận đầu tư đặc biệt (mỗi người hưởng 800 nghìn đồng/ngày gồm tiền dinh dưỡng và tiền công). Ai trong số 48 người ấy sẽ thành công tại Olympic 2016 tới còn bỏ ngỏ. Trước hết họ đã hoàn thành nhiệm vụ của SEA Games 28-2015 đã thi đấu trong tháng 6 vừa qua.
 
Trở lại với kế hoạch đầu tư theo 3 dự án mà ngành thể thao đưa ra thì mục tiêu cao nhất vẫn là chương trình của năm 2018 và 2020. Từ nay tới thời điểm đó, chắc chắn những con người trong nhóm VĐV nòng cốt thời điểm này sẽ có người nghỉ thi đấu nên tuyến trẻ được thay thế. Vì lẽ ấy, thể thao Việt Nam thực hiện chương trình theo diễn tiến từng nhiệm vụ cũng vì nhân lực không dồi dào. 
 
Nhưng vẫn phụ thuộc vào tiền
 
Đề án tổng thể về tổ chức SEA Games 2021 đã được Bộ VH-TT và DL trình Chính phủ xem xét. Trong Đề án này, chuẩn bị lực lượng thì ngành thể thao sẽ thực hiện 3 dự án đào tạo như kể trên với kinh phí dự toán khoảng 750 tỷ đồng. Số tiền không chỉ dành cho một môn cụ thể mà đầu tư vào nhóm môn quan trọng nhất. Do đó, kinh phí nhiều là dễ hiểu. 
 
Ông Phấn cũng cho biết, trong chương trình đào tạo VĐV, từng giai đoạn ngành thể thao sẽ phải báo cáo Bộ VH-TT và DL và Bộ Tài chính và khi kế hoạch được thông qua mới có ngân sách rót về. Khi có chi phí, mọi chương trình mới thực hiện được. Mấu chốt hoàn toàn nằm ở ngân sách. Chúng ta biết rằng, thành tích SEA Games được chú ý nhưng kết quả tại Asian Games hay Olympic mới quan trọng nhất nên chi phí đưa ra phải được đầu tư có hiệu quả.
 
Ngay thời điểm này, thể thao Việt Nam đầu tư cho 48 VĐV nòng cốt đã tiêu tốn tương đối nhiều về chi phí nên khi số VĐV cô đọng hơn chắc chắn chi phí sẽ được tập trung hơn./.
 
Theo SGGP
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com