Bộ VH, TT và DL đã có tờ trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31 năm 2021. Như vậy là đã tiến thêm một bước cho câu hỏi có nên đăng cai hay không, nếu đăng cai thì tổ chức ở địa phương nào phù hợp. Đó là chủ trương xin đăng cai đã rõ và nơi tổ chức là Hà Nội chứ không phải Thành phố Hồ Chí Minh như một số thông tin ban đầu.
Nếu Thủ tướng đồng ý, Việt Nam sẽ tổ chức SEA Games lần thứ hai tại Hà Nội sau 18 năm (lần đầu năm 2003). Việc đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao lớn là vinh dự và cơ hội để thúc đẩy nền TDTT cũng như kinh tế - xã hội nước nhà phát triển. Cũng chính mục tiêu này nên các nước có điều kiện đều mong muốn được tổ chức và quá trình xét duyệt cũng tính đến nhiều yếu tố như điều kiện, năng lực, khả năng phát triển… của quốc gia đó. Quá trình hội nhập nói chung và thể thao nói riêng của Việt Nam trong nhiều năm qua đã mang lại những kết quả rất lớn, được các nước thừa nhận. Chính vì vậy, đăng cai tổ chức SEA Games lần thứ hai sau gần 20 năm là một vinh dự và điều kiện rất tốt để một lần nữa thể thao Việt Nam có điều kiện phát triển lên một tầm cao hơn.
|
Ảnh: Internet |
Tuy nhiên, để tận dụng như là một cơ hội cho thể thao nước nhà phát triển là điều không đơn giản, nhất là so với nguồn kinh phí bỏ ra để có thể tổ chức tốt sự kiện này. Theo dự trù, tổng kinh phí cho việc tổ chức SEA Games 31 là 1.757 tỷ đồng, trong đó kinh phí sửa chữa nâng cấp các công trình thể thao là 803 tỷ đồng, kinh phí dành cho công tác tổ chức là 954 tỷ đồng. Ngành TDTT cho biết, với số tiền này là tổ chức tại Hà Nội, địa phương tổ chức SEA Games năm 2003, để tận dụng các công trình đã được đầu tư xây dựng trước đây. Nếu tổ chức ở một nơi khác, phải xây mới các công trình như sân bãi, nhà thi đấu, khu vực dành cho vận động viên… thì kinh phí sẽ đội lên rất cao. Đây có lẽ cũng là lý do vì sao Thành phố Hồ Chí Minh được loại trừ khỏi phương án tổ chức như thông tin ban đầu.
Cách nhìn này phù hợp với điều kiện về kinh phí cũng như công tác tổ chức, nhưng xét thêm yếu tố góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương thì vẫn còn nhiều chuyện cần bàn. Những nước phát triển, người ta đặt mục tiêu rất rõ ràng về chuyện này. Họ tổ chức một sự kiện thể thao lớn, mang tầm khu vực hay thế giới với nguồn kinh phí và nguồn lực rất lớn thì mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thật sự bên cạnh yếu tố thể thao. Chỉ riêng Thái Lan, mỗi lần đăng cai SEA Games là họ chọn một địa phương có sự phát triển chưa cao để tổ chức. Các công trình mới mọc lên như sân vận động, nhà thi đấu, khu phức hợp, khách sạn, đường giao thông và hàng loạt hạ tầng khác được xây mới. Khách du lịch nước ngoài cũng sẽ đổ về đây. Sau khi tổ chức xong một sự kiện lớn, địa phương này sẽ được thừa hưởng toàn bộ hạ tầng xây mới và hoàn chỉnh đó để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ hội mà nếu không diễn ra sự kiện thể thao đó thì địa phương rất khó có được.
Vì vậy, nếu chúng ta huy động được nguồn lực xã hội hóa, lựa chọn địa phương tổ chức phù hợp thì đăng cai SEA Games sẽ có ý nghĩa rất lớn trong quá trình phát triển đất nước./.
Theo SGGP