Ở làng thể thao Việt Nam luôn có những VĐV “cơ bắp”, tức là thể lực tốt đến mức có thể thi đấu triền miên qua nhiều giải đấu, từ trong nước đến quốc tế và liên tục hết tháng này đến tháng nọ. Kéo theo đó, tuổi thọ của nghề sẽ chẳng kéo dài và trong chưa đầy vài năm, VĐV gần như kiệt sức, thậm chí nhiều người từng giải nghệ vì… hết pin.
Biết là vắt kiệt sức của VĐV thì hơi “ác”, nhưng vì căn bệnh thành tích đã ăn sâu, bám rễ vào tư duy của người làm thể thao Việt Nam, thành thử có muốn thay đổi quan điểm cho giới làm nghề cũng khó. Cứ thử nhìn vào lịch thi đấu dày đặc của một vài ngôi sao lúc này như kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Nguyễn Thị Oanh (điền kinh) hay các VĐV bóng chuyền nữ… sẽ thấy họ đã mệt mỏi và căng thẳng ra sao với trách nhiệm tìm kiếm thành tích cho thể thao địa phương, cho quốc gia.
Còn nhớ năm 2013, đội bóng chuyền nữ Thông tin LVPB gần như tháng nào cũng đấu giải, không trong nước cũng quốc tế, suốt từ đầu đến cuối năm. Những nhà làm chuyên môn thán phục khả năng chịu đựng của các tay đập Đỗ Thị Minh, Phạm Thị Yến, Bùi Thị Ngà, Nguyễn Linh Chi… vì họ thi đấu quá nhiều. Đấy cũng là năm thu hoạch thành tích nhiều nhất của đội bóng Thông tin LVPB, nhưng đổi lại, chủ công trẻ Âu Hồng Nhung dính chấn thương liên miên; Đỗ Thị Minh và Phạm Thị Yến kiệt sức vì quá tải và đến năm nay thì sa sút thấy rõ, không còn khiến các tay chắn đối phương ngán ngại khi đối đầu trên lưới nữa. Đội bóng này xuống phong độ cũng chỉ vì không có quãng nghỉ phục hồi hợp lý.
Tương tự thế, phụ công số 1 Việt Nam - Nguyễn Thị Ngọc Hoa - nhiều mùa trở lại đây cũng rơi vào tình trạng quá tải, bởi cô là tay đập chủ lực ở CLB Bình Điền Long An và ĐTQG. Khi khoác áo các CLB Thái Lan đấu giải VĐQG, Ngọc Hoa cũng là vị trí được sử dụng rất nhiều cho các trận đấu nhờ tài năng và kinh nghiệm dạn dày của mình. Như bày tỏ của Ngọc Hoa, đã trót mang nghiệp vào thân, phải chấp nhận điều đó như một phần của cuộc chơi. Trừ khi rời thảm đấu hoặc chọn ngã rẽ khác, VĐV mới được giải thoát thực sự khỏi sức ép thành tích…
Hình ảnh VĐV kiệt sức sau quá nhiều cuộc tranh tài liền kề không còn là chuyện hiếm trong làng thể thao Việt Nam. Nguyễn Thị Oanh của điền kinh Hà Nội là một thí dụ điển hình lúc này. Cô gái 19 tuổi thi đấu liên tục suốt từ ngày được phát hiện ra cô là một VĐV đa năng, có thể thi đấu ở nhiều nội dung trong cùng 1 giải đấu. Chẳng hạn, vừa thi xong cự ly ngắn, cô có thể đấu ngay cự ly rào sau đó hoặc cùng đồng đội thi tiếp sức. Ở giải VĐQG 2015 diễn ra tại sân Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), Oanh được các HLV đăng ký cho thi đấu… 7 nội dung, chỉ hơn 1 tháng sau khi lập kỷ lục giành đến 6 HCV ở giải trẻ toàn quốc!
Giới làm nghề ví Oanh như một cỗ máy, sắm vai chủ lực cho điền kinh Hà Nội ở mọi cấp độ giải đấu, dù biết thừa nếu tình trạng vắt sức VĐV này kéo dài, Oanh có thể đối diện với nguy cơ chấn thương nặng và giã từ sự nghiệp từ rất sớm. Đáng tiếc, các HLV lại tảng lờ góp ý của đồng nghiệp, tiếp tục yêu cầu cô phải gắng hết sức để hoàn thành chỉ tiêu đã đặt ra từ đầu.
Dẫu biết rằng thể thao thì cần nền tảng thể lực mạnh mẽ, cần sức bền, tốc độ và sự dẻo dai cả về thể xác lẫn ý chí. Nhưng cứ thử nhìn vào lịch thi đấu kín như bưng hoặc 1 lần trải nghiệm cùng VĐV trẻ như Nguyễn Thị Oanh ở các sân chơi, người lạc quan đến mấy cũng phải bày tỏ sự quan ngại cho tương lai của cô gái này.
Oanh cần được tập trung cho 1 hay 2 cự ly sở trường để phát huy hết tiềm năng của mình, vì như thế sẽ tốt cho cả điền kinh Hà Nội, tốt cho cả ĐTQG trong các kế hoạch thi đấu quốc tế…
Theo SGGP