Nhiều việc và ít việc

08:10, 30/10/2015
Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) vừa thông qua cơ cấu tổ chức và thành viên một số ban của tổ chức này, bao gồm nhân sự từ các liên đoàn thành viên, trong đó có Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).
 
Theo đó, VFF lần này có 3 thành viên được AFF phân công tham gia. Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nhận nhiệm vụ Trưởng ban Bóng đá nữ AFF; thành viên Ban tổ chức thi đấu AFF; thành viên Ban tài chính và tiếp thị AFF; thành viên Ban giải quyết các tình trạng khẩn cấp AFF. Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh nhận nhiệm vụ thành viên Ban phát triển AFF. Ông Dương Vũ Lâm làm thành viên Ban trọng tài AFF. Như vậy, ngày càng có nhiều nhân sự của bóng đá Việt Nam tham gia vào bộ máy của bóng đá khu vực như AFF, AFC (Liên đoàn Bóng đá châu Á). Đó cũng là điều cần thiết khi chúng ta hội nhập với bóng đá thế giới.
 
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc một số thành viên VFF tham gia công việc của AFF và AFC lại là “chất liệu” để nhiều người bàn tán. Có trường hợp như ông Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn được thống kê hiện có trên 15 chức danh công việc trong và ngoài nước, bao gồm từ VFF đến AFF và AFC. Một số thành viên khác của VFF cũng tham gia công việc của liên đoàn khu vực nhưng ít hơn. Người ta cho rằng, một người ôm đồm như vậy không thể nào giải quyết hết công việc nên thực chất chỉ là để lấy tiếng mà thôi. Chi li hơn, người ta cũng phân tích đó là những công việc cần tính chuyên môn, trong khi một người bình thường thì không thể “đa nhiệm” như vậy được.
 
Thực tế không hẳn như các luồng ý kiến trên. Nói về cơ chế hành chính hiện nay, một người đảm nhiệm nhiều chức danh là điều không hiếm. Người ta đã thống kê một vị chủ tịch cấp xã thôi cũng đã kiêm thêm hơn chục chức danh thành viên các ban chỉ đạo khác. VFF là thành viên của AFF và trên nữa là AFC và cao nhất là FIFA. VFF cũng là tổ chức thuộc sự quản lý của Bộ VH, TT và DL mà trực tiếp quản lý là Tổng cục TDTT. Điều này không tránh khỏi một thành viên VFF có thể có thêm các công việc khác tùy theo năng lực, chuyên môn, yêu cầu, điều động, chỉ định… của các cơ quan, tổ chức liên quan. Vấn đề là bản thân người đó có đảm đương và hoàn thành những công việc trong phạm vi trách nhiệm của mình hay không mà thôi.
 
Trở lại nội bộ VFF, việc phân chia công việc hiện bất hợp lý mà ai cũng không khó nhìn thấy. Có những người gần như gánh hết các công việc, rồi được AFF và AFC phân công thêm nhiều việc của các tổ chức này, trong khi đó có không ít người từ khi được bầu lên đến nay chỉ lo… làm việc riêng hoặc chỉ trích là chính. Một vị lãnh đạo VFF phụ trách tài chính thì chẳng có vai trò gì trong việc tìm nguồn tài chính cho các giải bóng đá trong nước, nhất là V-League; một vị khác lo công tác kết nối, truyền thông thì khá lu mờ… Điều này cho thấy không hẳn ít việc mới làm được việc. Ít chức danh đương nhiên là điều kiện tốt để người đó tập trung thời gian nhiều nhất cho công việc chính, nhưng nhiều chức danh thì không hẳn ngược lại bởi với một người làm việc khoa học và khả năng tốt thì mọi việc đều được xử lý gọn gàng và hiệu quả.
 
Còn có một thực tế của bóng đá Việt Nam hiện nay, người ít việc lại sinh ra rảnh rỗi, quay ra “làm khó” cho những người đang tập trung làm việc, là bước cản cho sự phát triển./.
 
Theo SGGP


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com