1. Lịch sử của thể thao Việt Nam có không ít trường hợp VĐV được CLB ngoại mời ra nước ngoài thi đấu. Gần nhất và đang rất thành công có phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa của đội VTV Bình Điền Long An. Hoa đang thi đấu cho CLB Bangkok Glass. Tính trên phương diện chuyển nhượng, trước đội bóng này, Hoa còn khoác áo CLB Ayutthaya. Góp mặt ở 2 đội bóng khác nhau tại Thái Lan, tuy nhiên, phí chuyển nhượng của Ngọc Hoa là bao nhiêu thì chưa một lần được công bố cụ thể.
Trước đây có thông tin cho rằng CLB Ayutthaya mời Hoa đầu quân đã trả lương 3.000 USD/tháng. Cô có cả tiền đấu trong từng trận. Con số trên không được ai xác nhận và sau này Ngọc Hoa cũng bày tỏ sự không hài lòng thông qua trang facebook cá nhân về thông tin tiền nong như vậy. Nhưng chắc chắn, với trình độ và năng lực của Ngọc Hoa, các đội bóng Thái Lan phải mất nhiều ngoại tệ thì mới có được cái gật đầu của cô.
Trước đây, giai đoạn năm 2011, 2012 là lúc Lê Quang Liêm (cờ vua), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) nở rộ ra nước ngoài khoác áo một số CLB đánh thuê. Liêm từng lúc góp mặt trong đội hình cờ vua của CLB Bremen (Đức), CLB Evry Grand Roque (Pháp) hay CLB Qingdao Yucai (Trung Quốc). Cũng như Ngọc Hoa, tiền chuyển nhượng được Liêm giấu kín. Mọi người chỉ biết rằng, khi các CLB trên trải thảm mời về, ngoài phí cứng đã nhận, Liêm có thu nhập trong từng trận tham dự.
|
Ảnh: Internet |
Năm 2013, Tiến Minh có thu nhập đáng kể khi được CLB Pune Vijetas (Ấn Độ) mời về thi đấu và trả mức phí 44 nghìn USD. Lúc đó, Tiến Minh luôn đứng trong tốp 10 thế giới nên Pune Vijetas khi cần VĐV tên tuổi tham dự giải các CLB Ấn Độ đã phải đấu giá mới mời được ngôi sao về. Giá trị bản hợp đồng được biết với con số 44 nghìn USD (gần 1 tỷ đồng) có thể xem là mức cao với VĐV thể thao Việt Nam (ngoài bóng đá) khi được CLB nước ngoài mời về.
2. Về thể thao thành tích cao, trong những con số đã công bố ở thị trường chuyển nhượng quốc nội, chủ công Nguyễn Hữu Hà (bóng chuyền) vẫn đang là VĐV giữ kỷ lục. Năm 2011, sau nhiều trì hoãn, CLB Tràng An Ninh Bình đã đồng ý giải phóng hợp đồng của cầu thủ này cho đơn vị Gia Lai 1 tỷ 350 triệu đồng. Về sau này, làng bóng chuyền có nhiều cuộc chuyển nhượng giữa các CLB trong nước với nhau với VĐV nam và nữ nhưng chưa ai đạt được mức phí trên.
Bóng bàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (lúc chưa giải thể) từng gây cú sốc bằng việc mời tay vợt Đoàn Kiến Quốc từ Khánh Hòa đầu quân năm 2009. Mức phí lúc ấy được hé lộ trong khoảng 500 triệu đồng. Bóng bàn Hà Nội T&T ngày tuyển mộ tay vợt Trần Tuấn Quỳnh về đầu quân từ Sở VH, TT và DL Hà Nội (lúc đó) cũng mất không dưới 300 triệu đồng.
Ngoài họ, có nhiều cuộc chuyển nhượng đáng chú ý khác như Văn Ngọc Tú từ Gia Lai về Nam Định và chỉ thi đấu cho mục tiêu thành tích tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII-2014 hay mới nhất có Lừu Thị Duyên từ Lào Cai về Thành phố Hồ Chí Minh. Phí chuyển nhượng đều được giữ kín. Một trong những “thị trường” chuyển nhượng sôi động nhất chính là trong môn quần vợt. Các tay vợt khi chuyển từ nơi cũ về nơi mới ít nhiều phải có lót tay nhưng chưa một số liệu thống kê nào đưa ra chính thống rằng các mức phí trung bình khoảng bao nhiêu.
3. Chuyển nhượng VĐV giữa các đơn vị trong nước với nhau tưởng dễ mà hóa ra rất khó. Trừ khi VĐV hết hợp đồng quyết dứt áo ra đi thì khó giữ được, còn nếu vẫn đang thuộc 1 đơn vị mà xin đầu quân cho đơn vị khác thường xảy ra tranh chấp. Tranh chấp quan trọng nhất chính là không ai muốn mất người giỏi về đơn vị khác. Khi ấy, tiền đào tạo hay phí chuyển nhượng lại không phải vấn đề cốt yếu để giải quyết.
Ngược lại, nếu VĐV (ngoài bóng đá) được các đội nước ngoài mời về thi đấu thì rất được tạo điều kiện cho góp mặt. Lúc đó, nhiều đơn vị chủ quản muốn tạo thanh thế làm thương hiệu cho mình tốt hơn. Thực tế cũng chưa một lần nhắc cụ thể đấy là trong các mức phí chuyển nhượng thì VĐV sẽ được cầm thật tay là con số bao nhiêu. Câu chuyện phí chuyển nhượng (nhiều người vẫn gọi là khoản “lót tay”) luôn là vấn đề bí mật không bao giờ tiết lộ. Cũng có trường hợp, sau quá trình đào tạo, một đơn vị thấy VĐV của mình được mời về đầu quân và có phí khi tính toán thấy lãi thì gật đầu tắp lự cho ra đi./.
Theo SGGP