V-League 2015: Một mùa giải còn nhiều bất cập

08:09, 22/09/2015

Giải vô địch bóng đá quốc gia (V-League) 2015 đã khép lại sau 26 vòng đấu. “Ngôi vương” đã thuộc về đội Becamex Bình Dương, đội Hà Nội T&T giành HCB, đội FLC Thanh Hóa nhận HCĐ, đội Đồng Nai xếp cuối bảng xếp hạng, đành phải ngậm ngùi... xuống chơi ở giải hạng nhất mùa bóng năm tới. Khách quan nhìn nhận, V-League năm nay vẫn còn nhiều bất cập.

Sự thật... tréo ngoe

V-League đã bước sang mùa chuyên nghiệp thứ 15, song các câu lạc bộ (CLB) vẫn chưa thể tự thân “nuôi” được mình. Nếu thời bao cấp phải dựa vào “bầu sữa” của Nhà nước thì đến khi xã hội hóa, họ tồn tại nhờ sự “hà hơi tiếp sức” của các ông bầu doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự trồi sụt trong kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí là cả những thay đổi về “cảm tính” của các ông bầu đã tác động không nhỏ đến phong độ và thành tích của các đội bóng, sự tàn lụi hay phát triển của các CLB. Chính vì lý do này mà bóng đá nước nhà thiếu động lực để phát triển và vươn lên.

Nếu như tôn chỉ của các nền bóng đá ở nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới là tham vọng thăng hạng và vô địch, thì ở Việt Nam một số đội bóng lại... ngại, không muốn, vì một lý do đơn giản là không đủ tiền chiêu mộ lực lượng có chiều sâu để đại diện cho các CLB bóng đá nước nhà tham gia các giải đấu ở “sân chơi” khu vực và châu lục. Hội chứng “chán vô địch” đã được lãnh đạo một số đội bóng nói thẳng: Nếu tham dự thì khó làm nên trò trống gì mà có khi lại tụt hậu ở đấu trường trong nước, “mất cả chì lẫn chài”, cho nên họ đành ngậm ngùi “nhường” cho một vài “ông lớn” có thực lực và tiềm lực kinh tế. Với một giải đấu vô địch quốc gia như V-League quá ngắn chỉ kéo dài trong năm tháng (trong khi thời gian của một giải đấu quốc gia ở các nước khác thường từ tám đến chín tháng) và trung bình chỉ có 30 trận đấu cho mỗi CLB trong một mùa giải, cơ hội cọ xát và tính đua tranh không cao thì việc các đội chỉ quan tâm đến giải đấu trong nước mà không màng đến các giải đấu của khu vực và châu lục là điều dễ hiểu. Với cách lập luận nêu trên, thậm chí đã có người còn lấy đó làm lý do để giải thích cho việc đội Becamex Bình Dương đã thống trị ngôi vô địch V-League trong bốn mùa giải và liên tục tham gia giải bóng đá của châu Á - AFC Cup.

Về công tác tổ chức, mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng việc sắp xếp lịch thi đấu của Ban tổ chức giải vừa qua chưa hợp lý. Do đội tuyển quốc gia và các đội tuyển trẻ phải tham gia nhiều giải đấu quốc tế khác nhau trong năm nay, cho nên lịch thi đấu V-League 2015 bị thay đổi, kéo dài khiến một số CLB có kinh phí eo hẹp gặp khó khăn trong việc trả tiền lương và tiền thưởng cho các cầu thủ, nhất là ngoại binh. Những thay đổi này đã kéo theo không ít phát sinh về chi phí tập luyện, ăn ở, đi lại.

Tiếp đến là nạn bạo lực trên sân cỏ vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các trọng tài đã phải rút ra 717 thẻ vàng, 44 thẻ đỏ để phạt lỗi chơi xấu của các cầu thủ. Điển hình là pha vào bóng nguy hiểm của hậu vệ Quế Ngọc Hải (đội Sông Lam Nghệ An) gây chấn thương nặng cho tiền vệ Trần Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) và cầu thủ này đã phải nhận án phạt từ Ban Kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) treo giò sáu tháng, cộng thêm số tiền nộp phạt là 15 triệu đồng... Bên cạnh đó, việc điều hành của “các ông vua sân cỏ” vẫn còn nhiều sai sót khiến huấn luyện viên, cầu thủ nhiều CLB chưa “tâm phục, khẩu phục”.

Kịch tính hay “tính kịch”?

Nếu nhìn một cách tổng thể bề ngoài, V-League 2015 có vẻ cho thấy một kết quả hợp lý khi các đội bóng được quan tâm đầu tư, phong độ ổn định, khao khát chiến thắng và thể hiện được tính chuyên nghiệp trong thi đấu đều giành thứ hạng cao, trong khi những đội bóng thường xuyên lình xình chuyện nội bộ, thực lực kém sẽ phải xếp thứ hạng dưới và xuống hạng. Thế nhưng, điều này dường như lại không đúng với một đội bóng như Hoàng Anh Gia Lai. Được đầu tư đầy đủ, lực lượng cầu thủ được đào tạo bài bản, có sức trẻ và kỹ thuật, trong đó có các cầu thủ là tuyển thủ quốc gia nhưng lại thi đấu bết bát và phải trông chờ vào sự “xuống tay” hay sự mất phong độ bất ngờ của các đội bóng ở những lượt trận cuối mới có được suất trụ hạng may mắn. Có lẽ điều đáng ghi nhận của đội bóng này là ở những tuyên bố “to tát” của ông bầu Đức, sự nhiệt huyết và hình ảnh “chơi đẹp” của các cầu thủ trẻ cùng tên tuổi của một số chân sút đã thu hút lượng không nhỏ người hâm mộ bóng đá đến sân trong bối cảnh đi xuống bởi những tiêu cực của bóng đá nước nhà ở đầu mùa giải.

Kịch tính của mùa giải lần này không phải ở những trận đấu mà phong độ thể hiện khá chênh lệch (có thể trận trước đá rất hay, thắng rất đậm, song trận sau đã thua tan nát hoặc mất điểm không thể tin nổi) của các anh tài hay “ngựa ô” của giải đấu, mà còn ở thành tích khác biệt ở lượt đi và lượt về của giải đấu. Lấy Đồng Tâm Long An là một thí dụ, có chín trận bất bại ở lượt đi, từng đánh bại cả đội Becamex Bình Dương, song ở lượt về lại thua đến bảy trận, trong đó có bốn trận trên sân nhà và chỉ xếp làng nhàng gần ở hàng đầu của nhóm dưới. Sông Lam Nghệ An và FLC Thanh Hóa cũng có thành tích đáng nể ở lượt đi, nhưng ở lượt về dường như không còn là mình khi thành tích cũng khá phập phù. Mặc dù vẫn xếp thứ ba của giải, song những cổ động viên xứ Thanh đã không còn được “nhấm nháp” hương vị chiến thắng như ở đầu giải. Trong khi đó, để phản ứng với phong độ không đúng thực lực của các cầu thủ đội bóng “con cưng”, đã có trận đấu trên sân Vinh không có người xem bởi quyết định “trừng phạt” của cổ động viên xứ Nghệ. Đối thủ cạnh tranh “ngôi vương” của Becamex Bình Dương là Hà Nội T&T cũng chịu không ít sự chỉ trích và nghi ngờ khi có vẻ “trễ nải” ở lượt đi và chỉ thật sự thi đấu ở lượt về để vươn lên nhóm đầu. Mặc dù vậy, nỗ lực và những tiến bộ về chuyên môn của những đội bóng như Than Quảng Ninh, Sanna Khánh Hòa BVN và QNK Quảng Nam đã phần nào mang lại sức hấp dẫn và sự đua tranh cho giải đấu và để người hâm mộ không đến nỗi phải... lắc đầu thất vọng.

Một vấn đề nổi cộm ở nhiều mùa bóng qua chưa được giải quyết triệt để là cứ đến giai đoạn cuối giải thường xuất hiện một số trận đấu ân tình kiểu “xin - cho”, song Ban tổ chức lại cho rằng, không có bằng chứng để xử lý, gây bất bình đối với người xem và giới chuyên môn, ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Thật đáng buồn khi nhiều đội bị chính cổ động viên nhà la ó do thiếu nhiệt tình thi đấu. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến việc một số đông cổ động viên quay lưng với V-League ở mùa giải vừa qua và có những trận đấu chỉ có được vài trăm người đến xem. Đã có ý kiến ví von rằng, bóng đá và người hâm mộ như “cá với nước”, nhưng cá làm sao sống nổi nếu thiếu nước và khán giả chính là thước đo chính xác nhất cho chất lượng chuyên môn của các giải bóng đá ở mỗi quốc gia. Những yếu kém theo kiểu nêu trên có lẽ là nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam khó bước sang một trang mới tươi sáng, và cũng là hệ lụy khiến chúng ta đã không “gặt hái” được những thành công như mong muốn ở các cấp độ đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ trên sân chơi khu vực trong vài ba năm trở lại đây.

Hy vọng Ban tổ chức giải, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sẽ có những đánh giá, nhìn nhận một cách thực chất khi tổng kết mùa giải V-League vừa qua để có những giải pháp khắc phục hạn chế, hướng tới mùa giải V-League 2016 thật sự “sạch” và hoàn thiện hơn, và cũng để trả lời câu hỏi: Giải về đích an toàn, có nhiều trận đấu kịch tính hay chỉ mang “tính kịch”?

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com