Khởi đầu từ năm 1985, tính đến nay Đại hội TDTT toàn quốc (gọi tắt là Đại hội) đã qua 7 lần tổ chức. Ban đầu, do hệ thống thi đấu các môn hằng năm không có nên Đại hội là nơi duy nhất để các địa phương, ngành tranh tài, thể hiện quá trình phát triển thể thao đỉnh cao.
Tuy nhiên, càng về sau thì Đại hội càng không còn phù hợp với tính chất ban đầu. Trên thực tế, cũng không còn nhiều quốc gia trên thế giới tổ chức các đại hội toàn quốc do mỗi môn đều đã có hệ thống giải thi đấu riêng. Tại Việt Nam, nhiều môn mỗi năm có đến 2-3 giải có giá trị tương đương nhau, dư sân chơi để tranh tài nên có thêm Đại hội cũng không không tăng thêm giá trị.
Mô hình của Đại hội tạm hiểu là một dạng của Đại hội Ô-lim-pích, diễn ra với chu kỳ cố định và là nơi để các quốc gia thể hiện sức mạnh thể thao. Sự tồn tại của Ô-lim-pích vẫn có ý nghĩa do đa số môn thể thao hiện đã phát triển chuyên nghiệp, các VĐV thi đấu hằng năm thường theo tư cách cá nhân để “săn” tiền thưởng chứ không hẳn đại diện cho quốc gia. Trong khi đó, thể thao Việt Nam hiện nay vẫn duy trì thi đấu hằng năm theo góc độ địa phương, ngành và thành tích đó cũng phản ánh chân thực sự phát triển của từng đơn vị, ý nghĩa của Đại hội 4 năm một lần cũng không còn nhiều.
Mặt khác, các kỳ Ô-lim-pích trên thế giới là một sự kiện trọng đại không chỉ liên quan đến thể thao mà còn là cơ hội để phô diễn sức mạnh kinh tế, quảng bá đất nước của quốc gia đăng cai. Ngược lại, tổ chức Đại hội tại Việt Nam là một gánh nặng đối với ngân sách địa phương. Cũng từ lý do này mà đến nay, Đại hội lần 8-2018 vẫn chưa xác định được nơi đăng cai sau khi An Giang giảm chi phí tổ chức từ hơn 3.000 tỷ đồng xuống còn khoảng 1.000 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc từ một sự kiện nhằm phát triển kinh tế - xã hội lại chỉ còn là tổ chức thi đấu, dễ gây lãng phí.
Chính từ thực tế này mà mới đây, chỉ đạo của Chính phủ là hướng đến các Đại hội mang ý nghĩa phong trào nhiều hơn là tranh tài đỉnh cao, tức là sẽ thay đổi hoàn toàn bản chất của Đại hội. Đây rõ ràng là một sự thay đổi “cực chẳng đã”, xuất phát từ sự thiếu hiệu quả trong tổ chức của các kỳ Đại hội trước đó. Nếu những người làm thể thao tổ chức Đại hội theo cách của Ô-lim-pích, mỗi sự kiện là một cơ hội thúc đẩy nhiều khía cạnh kinh tế - xã hội của địa phương đăng cai, bên cạnh việc cải tổ hệ thống thi đấu chuyên nghiệp hằng năm, thì có lẽ Đại hội TDTT toàn quốc sẽ là một ngày hội thật sự của thể thao nước nhà chứ không lâm vào tình trạng “xin” rồi “rút” quyền đăng cai như gần đây./.
Theo SGGP