Trong khi bóng đá nội giống người lọ mọ trong đêm, và liên tục gây thất vọng cho giới hâm mộ thì Nguyễn Thị Ánh Viên, Lý Hoàng Nam… đang nổi lên như những ngôi sao chói sáng.
Bóng đá ta từ khi hội nhập quốc tế hồi năm 1991 đến giờ phải nói tiền đầu tư rất lớn, nhưng nghịch lý là kết quả thu được thật khiêm tốn. Nói như chuyên gia Lê Thế Thọ rằng: “Làm bóng đá cũng giống đầu tư. Đổ tiền ra mà lỗ hoài thì dừng lại, nên tập trung kinh doanh món khác thay vì chăm chăm vào đấy chỉ tổ đem lại buồn phiền”. Thực chất nói vậy không có nghĩa dẹp bóng đá, nhưng nên xem xét ngoài bóng đá cũng cần cân đối các môn khác để kiếm thành tích ở đấu trường quốc tế.
Thật buồn là tính từ năm 1959 đến giờ ta đau đáu một giấc mơ con, khi tìm hoài vẫn không thấy chiếc HCV SEA Games môn bóng đá. Đội tuyển quốc gia năm 2015 chẳng rõ hình hài, nên ngay cả chỉ tiêu vào vòng chung kết Asian Cup 2019 thông qua vòng loại World Cup 2018 cũng không chắc chắn. Cứ nhìn cách họ thua liên tục trước Thái Lan cả ở SEA Games lẫn vòng loại World Cup mới thấy niềm tin của nhiều giới đã đặt không đúng chỗ.
|
VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên. Ảnh: Internet |
Một thất bại còn có thể nói do ta thiếu may hoặc vì lý do khách quan khác. Song, thua 3 trận liền với chuyên môn kém, tinh thần thấp quả không thể bào chữa. Có cảm giác Việt Nam đá ở khu vực hay châu lục chỉ mong gặp may và đối phương yếu đi, chứ không phải mình đang tiến bộ và cố gắng tìm cách vượt qua đối thủ mạnh.
Nền bóng đá nói chuyên nghiệp mà đến lúc nhà tài trợ trái gió trở trời thì ai nấy đều lo sốt vó. Như hồi năm 2013, lúc một ngân hàng thương mại có tiếng lần đầu công bố lỗ trong quý 4 do nợ xấu thì cả làng nhốn nháo. Nền bóng đá có V-League làm xương sống đến 15 mùa nhưng vẫn thở nhờ tài trợ thì rõ ràng không thể bình thường nữa.
V-League sau thời gắn tên với ngân hàng thương mại tới nhãn hàng Nhật. Thế mà nhìn lại hầu hết là bạo lực, cay cú, chấn thương, thẻ phạt, công tác tổ chức qua loa, trọng tài luộm thuộm còn khán giả quá ư thưa thớt. Tính như dân làm ăn, tiền bỏ ra lớn mà chất lượng sản phẩm thấp coi như kinh doanh thất bại rồi. Chắc chắn các cổ đông sẽ không thể chấp nhận mỗi năm bị mất nhiều tiền trong thời khó khăn được. Nói văn vẻ là đi buôn bị lỗ hoài rồi mang tiếng xấu thì nghỉ nằm nhà cho khỏe.
Trong khi đó, Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội) sau khi “gây bão” ở SEA Games 28 thì mới rồi còn giành HCB nội dung 400m hỗn hợp và HCĐ 200m hỗn hợp cá nhân tại giải VĐTG 2015. Ngoài ra, Lý Hoàng Nam (quần vợt) nhờ sự chăm nom của Becamex Bình Dương nên giờ trở thành tay vợt số 1 quốc gia, vừa giành chức vô địch đôi nam tại giải trẻ Wimbledon, đủ thấy nhà đầu tư đã đầu tư đúng lối.
Sắp tới, cả Ánh Viên lẫn Hoàng Nam còn hướng đến nhiều mục tiêu cao hơn ở đấu trường danh giá khác quả là giấc mơ không viển vông, vì họ luôn có thừa bản lĩnh và sự quyết tâm theo kiểu gieo nhân gì gặt quả ấy.
“Buôn” bóng đá cũng giống buôn hàng hóa, ngoài đổ vốn ra còn cần có kế hoạch, đường lối hẳn hoi mới mong thành công được. Thế mà với VFF chỉ nghĩ, cứ bỏ tiền ra rồi ngồi rung đùi là thu lãi lớn (!?)./.
Theo SGGP