1. Chuyện tìm địa điểm tập huấn cho VĐV điền kinh Nguyễn Thị Huyền vẫn chưa ngã ngũ. Tổng cục TDTT và đơn vị chủ quản (Sở VH, TT và DL Nam Định) muốn đưa VĐV đã giành 2 chuẩn dự Olympic 2016 sang Nga để “luyện vàng”. Song, nếu chuyến đi của Huyền kéo dài sẽ “đụng” thời tiết giá lạnh khắc nghiệt ở xứ sở bạch dương, nhiều khả năng lại phải đổi địa điểm tập huấn thêm lần nữa. Thế nên, Mỹ vẫn được cho là địa điểm lý tưởng để HLV Vũ Ngọc Lợi và Nguyễn Thị Huyền tập trung chuyên môn và nâng cao thành tích hơn nữa. Vả lại, gần như chắc chắn 2 anh em Quách Công Lịch và Quách Thị Lan đã được Tổng cục TDTT và Sở VH, TT và DL Thanh Hóa cấp kinh phí sang Mỹ tập huấn, tề tựu với nhau để tập xem ra cũng là giải pháp hay cho đội tuyển điền kinh trong nỗ lực chuẩn bị cho cuộc tranh tài lớn.
Đấy là vấn đề không quá khó giải quyết, vì điều quan trọng nhất là kinh phí thì đã được Tổng cục TDTT và địa phương chia sẻ. Thế nhưng, không hiểu sao đến lúc này, vụ việc vẫn chưa được quyết và VĐV vẫn tiếp tục tập chay để chờ đợi. Nên nhớ, chính giới chức thể thao nước nhà từng khẳng định, nếu đưa VĐV đi nước ngoài tập huấn sớm sau SEA Games 28, chọn được địa điểm phù hợp và lâu dài, khả năng cải thiện thông số thành tích của Nguyễn Thị Huyền và anh em họ Quách trên các cự ly 400m và 400m rào là rất lớn.
Hơn nữa, nếu HLV Vũ Ngọc Lợi từng thành công khi huấn luyện Nguyễn Thị Huyền giành đến 2 chuẩn Olympic, thì cũng có thể theo sát Quách Thị Lan và Quách Công Lịch trong chuyến tập huấn ở Mỹ tới đây. Giải pháp này sẽ giúp ngành TDTT tiết kiệm được đáng kể kinh phí, thay vì tiếp diễn cảnh mỗi VĐV ở tổ 400m do 1 HLV huấn luyện.
Bên cạnh 3 gương mặt nói trên, điền kinh còn có những VĐV triển vọng Olympic khác nữa, như Nguyễn Thị Thanh Phúc (20km đi bộ nữ), Dương Thị Việt Anh (nhảy cao nữ), Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa), Lê Trọng Hinh (chạy 200m), Nguyễn Văn Lai (chạy 5.000m)… Tức là họ cũng cần được đầu tư cho mục tiêu lớn, dù có thể kinh phí không bằng được Huyền hay anh em họ Quách.
2. Cũng trong cuộc chạy đua đến Ri-ô đề Gia-nây-rô 2016, Tổng cục TDTT đã phê duyệt nguồn kinh phí đầu tư trọng điểm cho khá nhiều VĐV tài năng. Chỉ tiêu là sẽ có 15-20 suất chính thức đến với Olympic 2016. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, điều này hoàn toàn nằm trong khả năng của thể thao Việt Nam, nhất là khi chúng ta đang sở hữu rất nhiều VĐV xuất sắc ở các môn điền kinh, bơi lội, bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ, đấu kiếm, judo, đua thuyền…
Cách làm của thể thao Việt Nam lâu nay vẫn để bộ môn và địa phương sở hữu VĐV chủ động bàn bạc, lên kế hoạch và chọn địa điểm tập huấn phù hợp cho VĐV. Vì thế mới có chuyện kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên được đưa sang Mỹ tập luyện và thi đấu, trong khi đồng nghiệp Hoàng Quý Phước lại bẻ hướng sang… Nhật Bản để đào tạo. Tương tự, ý tưởng đưa Quách Thị Lan và Quách Công Lịch sang Mỹ tập huấn, trong khi VĐV giàu thành tích và tiềm năng Olympic như Nguyễn Thị Huyền vẫn đang băn khoăn chưa biết chọn nơi nào để “luyện vàng”.
Nếu như có sự tập trung và thống nhất được phương thức đầu tư giữa Tổng cục TDTT với địa phương, VĐV cùng đội tuyển có thể tập luyện ở cùng 1 địa điểm được đánh giá có chất lượng cao, đủ điều kiện giúp họ đạt chuẩn dự Olympic 2016, thay vì phải xé lẻ như những gì mà tất cả đang chứng kiến.
Thiết nghĩ, đây là cuộc đầu tư lớn cho mục tiêu lớn, nên nếu Tổng cục TDTT chấp nhận chi quá nửa kinh phí cho Nguyễn Thị Huyền, Hoàng Quý Phước sang Mỹ giống như các đồng đội, thì chắc hẳn chính các địa phương như Nam Định, Đà Nẵng phải nói lời cảm ơn vì đã trở thành nguồn động viên lớn trong nỗ lực cùng đưa điền kinh và bơi lội nước nhà tiến xa trên trường quốc tế./.
Theo SGGP