Kỳ vọng về một thế hệ cầu thủ trẻ

07:07, 15/07/2015

Vòng chung kết (VCK) U17 Quốc gia Báo Bóng Đá- Cúp Thái Sơn Nam 2015 đã khép lại với đội U17 PVF lần thứ hai liên tiếp vô địch. VCK năm nay có rất nhiều nét nổi bật, qua đó, để lại nhiều kinh nghiệm cho các câu lạc bộ và các nhà quản lý về công việc "trồng người" cho bóng đá Việt Nam.

Sự thắng thế của các trung tâm mới nổi

Trước đây giải U17 Quốc gia được ví là sân chơi của "Sông Lam Nghệ An và những người bạn". Nói thế là bởi, đội bóng trẻ xứ Nghệ từng sáu lần liên tiếp giành chức vô địch. Nhưng thời thống trị của Sông Lam Nghệ An (SLNA) ở giải U17 Quốc gia đã không còn. Bằng chứng là sáu VCK vừa qua, đội bóng bảy lần vô địch ở sân chơi trẻ này chỉ một lần giành được cúp vào năm 2012. Ở VCK năm nay, đội U17 SLNA chỉ đứng ở vị trí đồng hạng ba chung cuộc. Với thành tích khá thấp ấy, chắc chắn lãnh đạo câu lạc bộ SLNA phải xem xét lại tính hiệu quả của công tác đào tạo cầu thủ trẻ của mình.

Bước thụt lùi về thành tích của một trung tâm đào tạo trẻ có chất lượng như SLNA không đồng nghĩa chất lượng của VCK U17 Quốc gia Báo Bóng Đá- Cúp Thái Sơn Nam 2015 nói riêng và bóng đá trẻ Việt Nam nói chung đi xuống. Trái lại, sự vươn lên mạnh mẽ của những trung tâm đào tạo trẻ mới nổi là tín hiệu lạc quan cho bóng đá Việt Nam. Việc hai đội PVF và Viettel vào chung kết là kết quả hoàn toàn xứng đáng, tạo nên trận "chung kết trong mơ" như chờ đợi của khán giả. Tính từ vòng loại đến sau trận chung kết, cả PVF lẫn Viettel đều trải qua chuỗi 13 trận bất bại. Trong đó, PVF đã đi vào lịch sử giải đấu với 12 trận thắng, hòa một trận, ghi được 74 bàn và không để lọt lưới bàn nào.

 Pha tranh bóng trong trận chung kết giải U17 quốc gia giữa hai đội PVF và Viettel.
Pha tranh bóng trong trận chung kết giải U17 quốc gia giữa hai đội PVF và Viettel.

Đây là hai đội thể hiện lối chơi đẹp mắt nhất, kết tinh tất yếu của một quá trình đào tạo bài bản, có căn cơ dựa trên nền tảng tài chính vững mạnh, hệ thống sân bãi tập luyện chất lượng. Hơn nữa, những người làm công tác chuyên môn của PVF và Viettel từng là những cầu thủ nổi tiếng, như: Cựu tiền đạo Đội tuyển bóng đá Quốc gia Trần Minh Chiến, Nguyễn Việt Thắng của PVF, hay cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn của Viettel. Huấn luyện viên đào tạo trẻ có tiếng Nguyễn Thành Công (Viettel) xuất thân từ "lò" SLNA là con trai của huấn luyện viên kỳ cựu Nguyễn Thành Vinh. Được dẫn dắt bởi những người thầy từng là cầu thủ giỏi, cho nên các cầu thủ trẻ của PVF và Viettel cũng lĩnh hội được những kinh nghiệm thực tế quý giá. Xem các đội thi đấu, PVF và Viettel đều cho thấy sự toàn diện hơn so với các đội khác cả về kỹ -chiến thuật cũng như bản lĩnh và kinh nghiệm thi đấu trên sân.

Nét đẹp trên sân, nét đẹp khán đài

Thành tích của PVF và Viettel cho thấy sự hiệu quả và bài bản trong công tác đào tạo cầu thủ trẻ. Nhưng sự thành công bước đầu ấy không chỉ dựa vào thành tích. Họ cũng đã giới thiệu được rất nhiều gương mặt có tiềm năng. Có thể điểm qua nhiều gương mặt đã ghi dấu ấn nổi bật ở VCK, như: Thủ môn Nguyễn Thanh Tùng, tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức, tiền đạo Nguyễn Trung Học... (Viettel), tiền vệ Lâm Thuận, tiền vệ Hồ Minh Dĩ, Cầu thủ xuất sắc nhất Bùi Tiến Dụng, Thủ môn xuất sắc nhất Phan Văn Biểu, Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất là tiền đạo Phạm Trọng Hóa (đều của PVF). Ngoài ra, các cầu thủ: tiền đạo Bạch Hồng Hân, tiền vệ Cao Tấn Hoài (Đồng Tháp), Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Lắm (SLNA), tiền vệ Hà Ngọc Vũ, tiền đạo Phù Trung Phong (Quảng Ngãi)... cũng để lại ấn tượng mạnh cho khán giả và ban tổ chức giải đấu về chất lượng chuyên môn. Chính nhiều cầu thủ thể hiện ấn tượng mạnh về chuyên môn là động lực để thu hút giới hâm mộ môn thể thao vua đến chiêm ngưỡng, cổ vũ. Theo đó, mỗi trận đấu trung bình đón khoảng 3.000 người đến xem. Thậm chí, có trận như cuộc so tài giữa Quảng Ngãi và PVF ở bán kết lại thu hút khoảng 5.000 khán giả.

Một yếu tố nữa kéo khán giả đến sân đông là tinh thần thi đấu đẹp mắt của các đội. Giám sát trọng tài tại VCK 2015, Cựu Còi vàng Việt Nam và là Phó Ban trọng tài Quốc gia Dương Văn Hiền lần đầu tiên có cảm giác "toại nguyện" với thái độ thi đấu của các đội. Theo đó, các cầu thủ luôn ra sân với tinh thần thi đấu cao nhất, tuân thủ luật lệ và không có những hành động vào bóng quyết liệt hơn mức cần thiết. Ngay cả đội bóng luôn bị mang tiếng xấu bởi những pha vào bóng bạo lực như SLNA cũng đã thể hiện hình ảnh đẹp mắt, cống hiến hơn. Đội bóng xứ Nghệ chỉ bị phạt một thẻ vàng duy nhất trong bốn trận của VCK, xứng đáng được nhận giải Phong cách. Xuyên suốt VCK, các trọng tài đã không phải rút ra bất cứ thẻ đỏ nào.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com