Tin vui nối tiếp nhau bay về từ các đấu trường khu vực và châu lục: Nguyễn Thị Huyền lần đầu tiên đoạt HCV điền kinh châu Á ở cự ly 400m nữ, Trần Lê Quốc Toàn lần đầu tiên đoạt HCV Đông Nam Á sau gần 2 năm chống chọi với chấn thương… Ở thời điểm thể thao Việt Nam đang nỗ lực chạy đua giành thêm những tấm vé tham dự Ô-lim-pích Ri-ô đề Gia-nây-rô 2016, thì đấy là những thành tích đầy khích lệ.
Đến hiện tại, thể thao Việt Nam mới chỉ có được 2 gương mặt đến Bra-xin bằng vé chính thức là Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội) và Nguyễn Thị Huyền (điền kinh). Cả hai cũng chính là những gương mặt thi đấu ấn tượng nhất và đóng góp công sức rất lớn, làm rạng danh các đội tuyển bơi lội và điền kinh trên đấu trường SEA Games 28.
Chiến thắng của ý chí và nỗ lực phấn đấu không ngừng của Ánh Viên giúp cô trở thành một biểu tượng mới trong mắt của giới trẻ Việt Nam. Nguyễn Thị Huyền chính là tấm gương vượt khó đối với chính những đồng nghiệp của mình ở làng điền kinh Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, thể thao Việt Nam mới lại xuất hiện những gương mặt xuất chúng và khiến người ta phải tự hào như thế.
Thể thao Việt Nam phấn đấu có được từ 10-15 suất chính thức dự ngày hội lớn tại Bra-xin vào năm tới. Bên cạnh Ánh Viên và Nguyễn Thị Huyền, chúng ta còn có những VĐV giàu tiềm năng ở các môn trọng điểm như bơi lội, điền kinh, cử tạ, bắn súng, thể dục dụng cụ, đấu kiếm, judo, taekwondo… như Quách Thị Lan, Thanh Phúc, Thu Thảo, Hoàng Quý Phước, Trần Duy Khôi, Trần Lê Quốc Toàn, Thạch Kim Tuấn, Phan Thị Hà Thanh, Đinh Phương Thành…
Đường đến Bra-xin 2016 sẽ rất gập ghềnh, chứ không nghiễm nhiên có được những tấm vé tham dự giống như nhiều kỳ đại hội trước khi Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế thường dành cho Việt Nam những suất ưu tiên. Gần một năm còn lại, nhất là sau khi đạt được thành quả đáng nể ở đấu trường khu vực, đây là giai đoạn Tổng cục TDTT và các Liên đoàn thể thao tập trung nguồn lực tài chính để đầu tư cho VĐV trọng điểm tập huấn và thi đấu các giải cấp độ châu lục và thế giới, mới mong tiếp bước Ánh Viên và Nguyễn Thị Huyền viết nên những câu chuyện ngọt ngào và đầy ấn tượng khác.
Chính những nhà quản lý thể thao sau SEA Games 28 đã đánh giá tiềm năng của nhóm môn Ô-lim-pích còn rất lớn và chúng ta vẫn chưa khai thác hết. Thành công vượt ngoài mong đợi của nhóm môn này trên đất Xinh-ga-po chỉ là bước đầu của việc thay đổi chiến lược đầu tư, từ chỗ dàn trải và lỏng lẻo sang tập trung và trọng điểm thực sự.
Nó giống như biện pháp kích cầu ở thời điểm hiện nay, khi trong suốt một thời gian, thể thao Việt Nam dường như đã mất tính định hướng và khả năng chọn lọc nhóm môn đầu tư. Thành ra, đây có thể là bước đệm quan trọng trong giai đoạn phát triển mới đối với nhiều môn như điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ hay đấu kiếm.
Ở đấu trường Ô-lim-pích, thể thao Việt Nam hiếm hoi lắm mới giành được 2 tấm HCB của nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân (taekwondo) và Hoàng Anh Tuấn (cử tạ). Nhưng giờ đây, thế hệ những VĐV tài năng khác như Thạch Kim Tuấn, Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Thị Huyền, Hà Thanh, Phương Thành… hoàn toàn có thể giúp cải thiện thành tích đó nếu được chăm chút và đầu tư thực sự chuyên biệt.
Thông số thành tích của nhiều VĐV Việt Nam lúc này đã tiệm cận với ngày hội lớn, nhưng không có nghĩa chúng ta chủ quan vì điều đó, trước mắt vẫn cần tranh thêm nhiều tấm vé đến Ri-ô đề Gia-nây-rô để chắc chắn chuyến xuất ngoại của thể thao Việt Nam vào năm tới sẽ hùng hậu và tràn đầy niềm tin, khát vọng…
Theo: SGGP