Đầu tư để đột phá

09:07, 10/07/2015

1. Lâu nay, điền kinh và bơi lội là hai trong số nhiều môn trọng điểm của thể thao Việt Nam tạo được bước đột phá khi dự tranh các đấu trường lớn. Thế nhưng, tiếc là hai môn thể thao cơ bản bậc nhất của hệ thống thi đấu Ô-lim-pích hiện đại chưa nhận được sự đầu tư đến nơi đến chốn, có thể đầy đủ đối với vận động viên (VĐV) này, nhưng lại thiếu hụt đối với VĐV khác.

Chẳng hạn, sự chênh lệch về chất lượng đầu tư cho Nguyễn Thị Huyền và Quách Thị Lan thể hiện rất rõ. Một bên (Lan) được Tổng cục TDTT và tỉnh Thanh Hóa dốc tiền cho đi tập huấn. Bên còn lại (Huyền) chỉ được tập chay bằng nguồn kinh phí ít ỏi của Nam Định và nhờ suất ăn của tuyển thủ quốc gia. Thế nhưng, liên tiếp ở các đấu trường SEA Games 28 rồi Asian Grand Prix Series 2015, Huyền đều vượt Quách Thị Lan để bước lên ngôi cao nhất ở các cự ly 400m, 400m rào nữ. Thậm chí, cô còn đoạt đến 2 chuẩn dự Ô-lim-pích 2016, làm rạng danh điền kinh Việt Nam trên trường quốc tế.

Đôi khi, sự chênh lệch về khoản đầu tư cho VĐV lại cho kết quả ngược, tức là việc đánh giá và thẩm định tài năng của giới chức điền kinh Việt Nam vẫn chưa chuẩn xác lắm. Đến khi Huyền gây bão với những chiến thắng ấn tượng nơi đất bạn, nhiều nhà chuyên môn mới giật mình thừa nhận rằng phán đoán của mình đã sai. Sau đó một chút nữa thì có Nguyễn Thị Oanh cũng rất triển vọng trên các đường chạy ngắn và 400m nữ.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Vấn đề ở đây, hoạch định của bộ môn điền kinh nói riêng và Tổng cục TDTT vẫn chưa thể hiện tính đồng nhất. Thế mới có chuyện, 4 cô gái vừa thiết lập kỷ lục SEA Games mới ở Xinh-ga-po là Lan, Huyền, Oanh và Nguyễn Thị Thúy do 3 HLV khác nhau huấn luyện, không có nhiều thời gian tập cùng nhau ở cự ly tiếp sức. Nghĩa là nếu họ được đầu tư tập trung, tập với nhau nhiều năm thì thành tích có thể đã vươn đến tầm châu Á.

Điền kinh Việt Nam tính chuyện đột phá, muốn qua mặt Thái Lan trong nay mai là chuyện trong tầm tay, nhất là khi chúng ta đang sở hữu một dàn VĐV tài năng sau lứa của Hương, Hằng, Huyện, Cương… Song, tạo ra được sự cạnh tranh ngang bằng với người Thái hay không còn tùy vào chiến lược, vào cách xây dựng các chương trình đầu tư chuyên biệt cho VĐV ra sao. Chưa kể, mối quan hệ giữa bộ môn của Tổng cục TDTT và Liên đoàn Điền kinh quốc gia cũng cần được cải thiện theo chiều hướng tích cực, xích lại gần nhau để vun vén cho sự nghiệp chung.

2. Tương tự, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên được đầu tư kinh phí rất lớn cho hai năm tập huấn liên tục ở Mỹ, dự nhiều giải đấu quan trọng tại đây đã biến cô thành ngôi sao bơi lội của cả khu vực Đông Nam Á. Ánh Viên đã tạo nên một màn đột phá cho bơi lội Việt Nam.

Trong khi đó, cũng được đánh giá là tài năng, song VĐV 14 tuổi Nguyễn Diệp Phương Trâm lại rơi vào hoàn cảnh “dở cười, dở mếu” với ngành TDTT Thành phố Hồ Chí Minh. Rất muốn được đầu tư như Ánh Viên, nhưng bản thân Phương Trâm và gia đình nhận ra cơ hội ngày càng ít đi và khó mà vươn xa.

Đấy là lý do, giới làm nghề nhận định việc gia đình VĐV này xin thanh lý hợp đồng với Thành phố Hồ Chí Minh chẳng qua là nhằm tìm đến một địa phương khác, sẵn sàng tập trung nguồn kinh phí lớn để giúp Phương Trâm đi tập huấn cùng Ánh Viên ở Mỹ. Đấy là cách suy luận có cơ sở, bởi lẽ ở tuổi 14, lại là VĐV thể thao không thể dành nhiều thời gian cho việc học văn hóa, Phương Trâm đi du học ngành gì ngoài bơi lội? Chưa kể, gia cảnh của VĐV này không khá giả đến mức có thể lo chu toàn cho Phương Trâm du học ở Mỹ nếu không được người khác trợ giúp./.

Theo: SGGP



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com