Nguyễn Thị Ánh Viên đi vào lịch sử SEA Games
Tuy không giành huy chương ở nội dung 100 m bơi bướm trong ngày thi đấu hôm qua, nhưng Nguyễn Thị Ánh Viên đã đi vào lịch sử SEA Games 28 khi xô đổ kỷ lục của "kình ngư" nước chủ nhà là Tao Ly (đoạt bảy HCV ở kỳ SEA Games 26, trước đó là VĐV Giô-xe-lin Y-eo của Xin-ga-po tại SEA Games 18), với kỷ lục đoạt tám HCV và phá tám kỷ lục tại một kỳ đại hội trong 20 năm trở lại đây. Lập kỷ lục tại SEA Games 28, nhưng Ánh Viên vẫn còn một khoảng cách khá xa so với thành tích ASIAD và Ô-limpích.
Ánh Viên hiện xếp thứ 25 thế giới bơi cự ly 400 m tự do nữ và thứ 32 thế giới bơi 400 m hỗn hợp nữ. Thành tích tại SEA Games 28 là bước tạo đà để "kình ngư" 19 tuổi của Việt Nam tiếp tục phấn đấu vươn lên ở các giải đấu lớn hơn. Đó cũng là suy nghĩ của Ánh Viên thổ lộ với các nhà báo Việt Nam tại cuộc họp báo tối 11-6: "Tôi chỉ mới vô địch Đông- Nam Á, trong khi thế giới còn rất nhiều "kình ngư" khác xuất sắc hơn".
Thắng U23 Xin-ga-po 1-0, U23 In-đô-nê-xi-a vào bán kết
Tối qua 11-6, ở lượt đấu cuối cùng vòng bảng A, đội U23 Xin-ga-po đã không tận dụng được lợi thế sân nhà trước đội U23 In-đô-nê-xi-a chơi phòng ngự chặt bởi chỉ cần một trận hòa là đội quân của HLV Xan-tô-xô đủ điểm vào bán kết. Bỏ lỡ các cơ hội ở hiệp một, sang hiệp hai U23 Xin-ga-po sớm phải trả giá khi "thần đồng bóng đá" Ê-van Đi-mát đã có cú dứt điểm hiểm hóc, mở tỷ số 1-0 cho U23 In-đô-nê-xi-a. Trong khi nôn nóng tìm kiếm bàn thắng gỡ hòa thì U23 Xin-ga-po lại rơi vào thế bất lợi, khi một cầu thủ bị thẻ vàng thứ hai phải rời sân. Chơi thiếu người, những nỗ lực của đội chủ nhà đã không thể xoay chuyển được tình thế, buộc phải chấp nhận thua 0-1, chính thức chia tay SEA Games 28. Giành vị trí thứ hai của bảng A, U23 In-đô-nê-xi-a sẽ vào bán kết gặp đội U23 Thái-lan nhất bảng B.
Ở trận đấu của bảng B, đội U23 Ma-lai-xi-a đã có trận thắng 2-1 trước đội U23 Lào trước khi lên đường về nước.
Cả hai HLV đội U23 Việt Nam và U23 Thái-lan đều "giữ bài"
Trả lời báo chí sau trận U23 Việt Nam thua U23 Thái-lan 1-3, theo HLV Mi-u-ra, kết quả trận đấu cho thấy đúng cục diện trên sân và ông không hài lòng với các học trò khi họ không thể hiện được phong độ, quyết tâm. Tuy nhiên, HLV người Nhật Bản nhấn mạnh, trận đấu vừa qua là dịp thử nghiệm, bởi ông đã tung vào sân nhiều cầu thủ dự bị, đồng thời cũng khẳng định, nếu hai đội gặp lại nhau trong trận chung kết thì "mọi thứ sẽ rất khác". HLV Prôm-rút của U23 Thái-lan cũng rất kín kẽ trong trả lời báo chí, gần như không có thông tin gì, thậm chí chỉ dùng tiếng Tháilan, trong khi thành thạo tiếng Anh, gây khó khăn cho phóng viên Việt Nam.
Nữ võ sĩ Việt Nam gây ấn tượng bởi vẻ đẹp nữ tính
Các nữ võ sĩ quyền anh Việt Nam như Nguyễn Thị Yến, Lê Thị Bằng (đoạt HCV) hoặc Lê Thị Ngọc Anh (đoạt HCĐ) tại SEA Games 28 đã tạo nên sự khâm phục với người hâm mộ, cũng như các đối thủ, bởi lối đánh quyết liệt và rất lỳ đòn. Khi các nữ võ sĩ nước ta tháo mũ bảo hiểm để nhận huy chương, nhiều người hâm mộ phải ngạc nhiên, ấn tượng trước những gương mặt xinh đẹp, làn da trắng trẻo và đặc biệt là mái tóc dài ngang lưng, khác hẳn nữ võ sĩ các nước đều cắt tóc ngắn như nam giới.
Thành tích của Nguyễn Thị Ánh Viên tại SEA Games 28: Về nhất vòng loại, lập kỷ lục SEA Games nội dung 400m cá nhân hỗn hợp; HCV và kỷ lục SEA Games 800m tự do; HCV và kỷ lục SEA Games 400m cá nhân hỗn hợp; HCV và kỷ lục SEA Games 200m ngửa; HCV và kỷ lục SEA Games 200m hỗn hợp; HCV và kỷ lục SEA Games 200 m bướm; HCV và kỷ lục SEA Games 200 m tự do; HCV và kỷ lục SEA Games 400 m tự do; HCV 200 m ếch.
Theo nhandan.com.vn