Đại hội thể thao Đông - Nam Á lần thứ 28 (SEA Games 28) đã khép lại sau những ngày thi đấu sôi động, để lại nhiều ấn tượng về một kỳ đại hội được đánh giá là thành công nhất về công tác tổ chức và điều hành. Nhiều kỷ lục đã được lập, ghi dấu những bước tiến của thể thao khu vực, nhưng cũng còn đó những khó khăn, hạn chế, đã và đang thách thức thể thao khu vực trên hành trình vươn tầm châu lục và thế giới.
VĐV Nguyễn Thị Huyền (bên trái) đoạt HCV 400 m nữ vượt rào, phá kỷ lục SEA Games và giành suất dự Ô-lim-pích 2016. |
Tiếp nối cuộc chinh phục đỉnh cao
Hơn 7.000 vận động viên (VĐV) thuộc 11 đoàn thể thao các nước trong khu vực đã tranh tài ở 36 môn để giành 402 bộ huy chương tại SEA Games 28. Kết thúc đại hội, đứng đầu bảng tổng sắp là đoàn thể thao Thái-lan với thành tích 95 HCV, 83 HCB và 69 HCĐ. Mặc dù có số lượng huy chương nhiều nhất với 259 huy chương, nhưng đoàn thể thao nước chủ nhà Xin-ga-po chỉ đứng thứ hai với 84 HCV, 73 HCB và 102 HCĐ. Đây cũng là kỳ đại hội có đoàn chủ nhà không xếp thứ nhất toàn đoàn. Bên cạnh công tác tổ chức được đánh giá là thành công nhất trong các kỳ đại hội với cơ sở phục vụ thi đấu hiện đại thì việc điều hành thi đấu cũng cho thấy những chuyển biến tích cực, đúng như ban tổ chức nước chủ nhà đã tuyên bố trước đại hội về một kỳ SEA Games thể hiện sự chuyên nghiệp và công tâm trên tinh thần thể thao và tình bằng hữu.
Nổi bật và thu hút người hâm mộ cũng như dư luận báo chí trong những ngày đại hội là những cuộc tranh tài, chinh phục các kỷ lục trên "đường đua xanh", ở nội dung bơi nữ là Nguyễn Thị Ánh Viên và Tao Li, ở nội dung nam là kỳ tích của "kình ngư" nước chủ nhà là Xcun-linh. Nếu như Ánh Viên ghi tên vào lịch sử SEA Games là VĐV giành nhiều HCV cá nhân nhất tại một kỳ đại hội với tám HCV thì Xcun-linh cũng ghi tên vào lịch sử SEA Games là VĐV giành nhiều HCV nhất trong một kỳ đại hội với sáu HCV cá nhân và ba HCV tiếp sức. Ở những môn đòi hỏi tính đồng đội, Thái-lan vẫn là số một của thể thao Đông - Nam Á khi xuất sắc bảo vệ HCV môn bóng đá nam với bảy trận toàn thắng, ghi 24 bàn và để thủng lưới một bàn, đồng thời "thống trị" ở môn bóng chuyền khi giành ngôi vô địch ở cả hai nội dung nam và nữ.
Trên mặt bằng chung của thể thao thành tích đỉnh cao của khu vực, Việt Nam đã nổi lên là một "thế lực" đáng gờm khi liên tục lọt vào tốp ba đoàn thể thao dẫn đầu trên bảng xếp hạng thành tích huy chương. Mục tiêu đề ra là lọt vào tốp ba, nhưng chỉ tiêu cụ thể đăng ký của các đội tuyển khi cộng lại khá khiêm tốn từ 56 đến 65 HCV. Thế nhưng, các VĐV của chúng ta đã thi đấu xuất sắc và vượt chỉ tiêu với 73 HCV, 53 HCB và 60 HCĐ. Có thể nói, đây là kỳ SEA Games thành công với số lượng VĐV và mức chi phí chỉ bằng khoảng một nửa so các kỳ đại hội trước, trong đó có bốn môn tham dự theo phương thức xã hội hóa, hoàn toàn không dùng đến ngân sách, song thành tích cũng tương đương hoặc vượt trội. Tỷ lệ đoạt HCV so số lượng VĐV đạt 20%, trong khi các SEA Games trước chỉ đạt khoảng 15%.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây không chỉ về hiệu quả mà nằm ở chất lượng của những tấm huy chương. Chỉ cần một con số thống kê là có thể thấy được điều này khi có đến 87% số HCV là của các môn thể thao cơ bản nằm trong hệ thống thi đấu của Ô-lim-pích (môn thể thao Ô-lim-pích). Riêng điền kinh mang về 11 HCV, lập ba kỷ lục đại hội, trong đó có những kỷ lục đã tồn tại 20 đến 22 năm. Đặc biệt là VĐV Nguyễn Thị Huyền phá hai kỷ lục SEA Games ở các nội dung chạy 400 m rào và tiếp sức 4x400 m nữ. Môn thể dục dụng cụ dẫn đầu khu vực và không một đội tuyển nào trong khu vực theo được đội tuyển nước ta khi có đến chín HCV. Môn bơi đoạt mười HCV với "kình ngư" Ánh Viên lập kỷ lục đại hội ở các nội dung thi của nữ trong 20 năm trở lại đây cả về số lượng HCV và kỷ lục đại hội với tám HCV và tám kỷ lục SEA Games. Đây là kỳ tích đáng tự hào của thể thao Việt Nam nếu biết rằng cách đây mười năm, bơi lội Việt Nam chật vật lắm mới có nổi một HCV SEA Games. Đấu kiếm và đua thuyền rô-inh, mỗi môn cũng đoạt tám HCV, lập một kỷ lục về thành tích trong các kỳ đại hội; tê-cuôn-đô đứng đầu khu vực với năm HCV, trong khi đó, một loạt môn như đua thuyền, quyền anh, bắn súng,... cũng giành từ ba HCV trở lên.
Những thành tích nêu trên đã cho thấy sự chuyển hướng về tư duy trong đầu tư, nâng cao chất lượng và định hướng phát triển bền vững, vươn tầm cao hơn ở các nội dung thi đấu Ô-lim-pích đỉnh cao, đầu tư đúng người, đúng môn, có trọng điểm và mang tính dài hạn. Trong đó, tập trung đầu tư đặc biệt vào các VĐV hàng đầu cùng những tài năng trẻ mang tính kế cận. Thành tích nổi bật qua SEA Games 28 là bước ngoặt được coi như "cú huých" trong định hướng chiến lược phát triển của ngành thể thao nhằm từng bước tiếp cận, vươn tầm châu Á và thế giới khi thành tích SEA Games của chúng ta, dù là kỷ lục, cũng vẫn còn một khoảng cách khá xa so với hai đấu trường nêu trên. Hiện, Việt Nam mới có hai VĐV giành suất dự Ô-lim-pích 2016 là Ánh Viên ở môn bơi khi đạt chuẩn A nội dung 400 m tự do và Nguyễn Thị Huyền đạt chuẩn cự ly chạy 400 m và 400 m vượt rào.
Sau SEA Games 28, hy vọng thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục có những thay đổi về chiến lược đầu tư vào các môn thể thao Ô-limpích để giành được thành tích cao ở những môn mang tính đồng đội như bóng chuyền, bóng đá. Bên cạnh đó, cần có một cơ chế và sự đầu tư nghiêm túc dành cho những môn phù hợp tiềm năng con người Việt Nam như cầu lông, bóng chuyền. Sau thế hệ của Nguyễn Tiến Minh từng đứng ở hạng bảy thế giới, hiện chúng ta vẫn chưa tìm ra VĐV kế cận để thay thế.
Nên ưu tiên những môn thể thao Ô-lim-pích
Kể từ năm 1959, SEA Games đã trở thành sân chơi thể thao quen thuộc, cầu nối tinh thần hữu nghị giữa các nước láng giềng Đông - Nam Á. Tuy nhiên, qua các kỳ đại hội, đấu trường này dần bị "ao làng hóa" bởi những tiền lệ khó hiểu chung quanh quyền lựa chọn môn thi đấu truyền thống của nước chủ nhà khiến giới chuyên môn lo ngại về sự phát triển thể thao khu vực trong tương lai. Một câu chuyện "kỳ quặc" nhưng đã thành "lệ" tại các kỳ SEA Games chính là các môn thi đấu "ao làng" mà chính Xin-ga-po ở đại hội lần này hay như Việt Nam ở kỳ SEA Games 22 cũng từng thực hiện tuy mức độ có nhẹ hơn. Đó là những môn thể thao mang tính địa phương được quốc gia đăng cai tổ chức SEA Games chọn để đưa vào đại hội nhằm mục đích "kiếm" thêm HCV cho chủ nhà vì có ít đối thủ cạnh tranh. Cũng vì căn bệnh thành tích huy chương, các nước chủ nhà đã không ngần ngại loại bỏ nhiều nội dung thi đấu Ô-limpích vì lo ngại những nước mạnh ở các môn này sẽ giành nhiều HCV.
Nguyễn Thị Ánh Viên giành tám HCV, phá tám kỷ lục SEA Games, đưa môn bơi trở thành thế mạnh của thể thao Việt Nam. |
Kiểu tổ chức đại hội mang tính "lệ làng" này gây ra sự thiếu ổn định cho chiến lược phát triển xuyên suốt của nền thể thao khu vực và dần khiến người hâm mộ mất đi niềm tin vào tính hiệu quả mà các kỳ SEA Games mang lại. Đặc biệt, khi số môn thi đấu chính thức tại mỗi kỳ đại hội kế tiếp nhau bị thay đổi tới một phần ba thì việc tồn tại những bộ môn chỉ xuất hiện một lần rồi "biến mất" đã đánh mất cơ hội của hàng trăm, hàng nghìn VĐV đỉnh cao khác, nhất là ở các môn thể thao Ô-limpích không có cơ hội cọ xát để vươn tầm châu lục, đồng thời các môn thể thao Ô-lim-pích do không được dự SEA Games cũng ít được các nước quan tâm đầu tư hơn.
Một điều khó hiểu là rất ít quốc gia mạnh dạn đứng lên đấu tranh với "lệ làng" này, kể cả những nước có nền thể thao phát triển. Phải đến sau kỳ Ô-lim-pích 2012, khi không một VĐV Đông - Nam Á nào có HCV thì Thái-lan mới chính thức đi đầu trong cuộc cách mạng "nói không với bệnh thành tích SEA Games", có nghĩa là, VĐV thi đấu thể thao đỉnh cao của Thái-lan sẽ không chạy đua huy chương tại SEA Games mà phải tập trung vào mục tiêu ASIAD và Thế vận hội. Bộ trưởng Thể thao Thái-lan Xa-pôn Gu-an-na-pông khẳng định: "Tồn tại các bộ môn truyền thống kỳ lạ là lý do khiến SEA Games không đạt được những tiến bộ như mong muốn. Nhưng khi đòi hỏi một sự cải tổ, thì không quốc gia nào chịu để mất lợi ích. Vì thế, chúng tôi phải tự lựa chọn phương án của riêng mình".
Người Thái-lan đã mở đầu để hướng tới mục tiêu vươn tầm châu lục và thế giới. HLV Ki-a-ti-xắc sẵn sàng "bỏ" dẫn dắt đội U23 Thái-lan tại SEA Games 28 nhằm tập trung đưa đội tuyển quốc gia chinh phục mục tiêu dự World Cup. Trong khi đó, võ sĩ vô địch tê-cuôn-đô thế giới Pa-ni-pắc Gu-ông-pát-ta-na-kít tháng trước lập tức được giới chức thể thao Thái-lan cho nghỉ SEA Games và thay vào một VĐV khác thiếu kinh nghiệm hơn. Mục tiêu của VĐV Gu-ông-pát-ta-na-kít giờ đây là giành điểm để dự Ô-lim-pích chứ không phải SEA Games. Theo Chủ tịch Liên đoàn tê-cuôn-đô Thái-lan Pi-moi Xi-ri-vi-côm: "Nếu việc giữ các môn truyền thống tại SEA Games như một cách kết nối tinh thần giữa các nước Đông -Nam Á thì chúng tôi chẳng việc gì phải gửi các VĐV xuất sắc nhất tham dự".
Việc lao vào tìm kiếm huy chương bằng đủ mọi cách ở các kỳ SEA Games với lối tư duy kiểu "nổi sóng ở ao làng" là căn bệnh hình thức nói chung của nền thể thao các nước Đông - Nam Á, đã dẫn sự tụt hậu của một số đoàn thể thao các nước ở SEA Games và thành tích yếu kém của thể thao khu vực tại các đấu trường châu lục và thế giới. Nhận thức được điều này, tại SEA Games 28, nước chủ nhà Xin-ga-po cũng đã cố gắng loại bỏ các tiêu cực, song đôi chỗ vẫn còn những "hạt sạn" qua các biểu hiện tùy tiện và thiên vị trong điều hành của các trọng tài bộ môn. Tạo dựng một sân chơi SEA Games công bằng, vun đắp và tôn vinh những tài năng, tập trung vào các môn thể thao Ô-limpích, loại bỏ căn bệnh hình thức và lối tư duy kiểu "nổi sóng ao làng" là hướng đi cần thiết để thể thao khu vực, trong đó có Việt Nam phát triển thật sự về chất để vươn tầm châu lục và thế giới.
Theo nhandan.com.vn