Trách nhiệm VFF

08:06, 26/06/2015

Kết thúc SEA Games, bóng đá Việt Nam tiếp tục chuẩn bị cho những mục tiêu ngắn hạn sắp tới là AFF Cup và vòng loại World Cup. Đặc biệt năm nay, như thông tin từ bầu Hiển, khán giả sẽ được chứng kiến chuyến du đấu của một trong những câu lạc bộ nổi tiếng nhất bóng đá Anh và thế giới - Man-chét-xtơ Xi-ti trên sân Mỹ Đình. Nếu không có gì thay đổi, trận đấu trị giá 1 triệu USD này là trận thứ hai đội tuyển Việt Nam được thi đấu với một câu lạc bộ nổi tiếng của Anh với đầy đủ thành phần ngôi sao của họ, sau Ác-xê-nan.

Nói về uy tín trên “thương trường” cũng như sự nhanh nhạy của các nhà tổ chức, bóng đá Việt Nam đã có sức hút hơn. Chuyện trước kia thật khó xảy ra thì giờ đây, những ngôi sao bóng đá thế giới hay các câu lạc bộ nổi tiếng đều có thể xếp lịch đến Việt Nam giao lưu và đưa vào kế hoạch du đấu, mở rộng thương hiệu của họ. Những chuyến du đấu của các câu lạc bộ châu Âu không mục đích gì khác hơn là mở rộng thương hiệu đến các khu vực có lượng khán giả hâm mộ đông đảo nhất, trong đó Đông Nam Á là một ưu tiên. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn với họ là phải mang lại hiệu quả kinh doanh, đồng thời đối tác ở điểm đến phải có nền bóng đá phát triển.

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng.  Ảnh: PV
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng.
Ảnh: Internet

Khán giả bóng đá Việt Nam có lẽ khỏi phải nói thêm về sự hâm mộ cuồng nhiệt. “Iron man” xuất hiện khi Ác-xê-nan đến Việt Nam khiến ngay cả những nhà tổ chức phải bất ngờ. Và một trong những điều kiện để đưa được các câu lạc bộ danh tiếng đến du đấu là nhiều tiền thì cũng đã có không ít đại gia đứng ra lo liệu. Điều kiện còn lại, nói gì nói, bóng đá Việt Nam cũng đang có sự phát triển được ghi nhận. Sự phát triển nhìn ở góc độ khu vực là dễ thấy hơn, bởi Đông Nam Á ngoài Thái Lan luôn dẫn đầu với một khoảng cách khá vững chắc thì nhóm còn lại cũng chỉ quanh quẩn nhóm “bộ ngũ’ Việt Nam, Xinh-ga-po, Mi-an-ma, Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a. Chưa vượt qua được đẳng cấp Thái Lan, nhưng với các đối thủ còn lại, Việt Nam có phần nhỉnh hơn.

Tuy nhiên, để bóng đá Việt Nam phát triển vượt thoát khỏi “bộ ngũ” là rất khó với cách làm như hiện nay. Gần như các giải đấu chỉ có kế hoạch giới hạn trong năm; các đội tuyển tập trung theo kiểu huấn luyện viên đi “chọn gà” xong về lại phải tập dượt lại mọi thứ từ thể lực đến kỹ thuật, chiến thuật; mục tiêu đề ra luôn muốn chiến thắng trong khi nền tảng cần thiết thì không có; sau mỗi thất bại lại hoang mang, nghi ngại lẫn nhau và lại có xu hướng tìm thầy khác, chọn lối đá khác… Thay vì chăm chăm vào mục tiêu thành tích trước mắt, bóng đá Việt Nam nên phân kỳ cho chiến lược phát triển. Thậm chí, có thể “hy sinh” một nhiệm kỳ VFF chỉ để xây dựng nền móng cho mọi thứ, từ bộ khung đào tạo trẻ, các giải đấu, nền tảng sức khỏe… Nhiệm kỳ kế tiếp trên cơ sở đó mà phát triển thêm để làm sao bóng đá có thể vận hành theo một quy trình chuyên nghiệp thực thụ.

Tất nhiên, để cải tổ bộ máy và cách làm đòi hỏi phải ở tầm Bộ VH, TT và DL và Tổng cục TDTT với vai trò định hướng. VFF với vai trò tổ chức xã hội nghề nghiệp đặc thù thì phải có trách nhiệm làm mới mình và gánh trách nhiệm về sự phát triển nền bóng đá với đất nước. Nếu không, dù có bao nhiêu câu lạc bộ danh tiếng như Ác-xê-nan hay Man-chét-xtơ Xi-ti đến thi đấu thì bóng đá Việt Nam vẫn chỉ loay hoay như hiện nay mà thôi./.

Theo: SGGP

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com