Nếu thành phần đến Xinh-ga-po của đội tuyển Điền kinh Việt Nam vẫn đầy đủ các gương mặt xuất sắc trong vòng 5 năm trở lại đây như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương, Thanh Phúc, Việt Anh, Vũ Văn Huyện… thì chỉ tiêu giành 10 HCV hoặc hơn nữa sẽ không thành vấn đề.
Ngược lại, khi hàng loạt trụ cột đã nghỉ thi đấu, chuyển hướng tương lai, điền kinh đang trong quá trình trẻ hóa mạnh mẽ lực lượng thì việc lãnh đạo ngành giao chỉ tiêu 10 HCV xem ra là quá sức đối với đội tuyển. Người trong giới thậm chí cho rằng như thế là hơi viển vông và điền kinh Việt Nam vẫn chưa thuộc bài “biết mình, biết ta”.
Thử hình dung, đội tuyển điền kinh sau thời của Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, ai là gương mặt sáng giá cho các cự ly ngắn và trung bình. Ngoại trừ Đỗ Thị Thảo được cho là “truyền nhân” của Thanh Hằng, có thể giành được trọn vẹn 2 HCV 800m và 1.500m ở SEA Games tới đây, thì nhìn khắp lượt vẫn không thấy VĐV trẻ nào có khả năng lên ngôi ở cự ly 100m và 200m.
Đấy là thực tế nghiệt ngã và nó sẽ khiến tổ chạy ngắn nữ hụt hẫng trong một thời gian dài, nếu không có thêm Vũ Thị Hương phiên bản 2.0 xuất hiện. Thành ra, tổ 4x100m với những cô gái trẻ Đỗ Thị Quyên, Lưu Kim Phụng, Hà Thị Thu và Trần Thị Yến Hoa do HLV Vũ Ngọc Lợi huấn luyện sang Xinh-ga-po với mục đích lớn nhất là cọ xát, chuẩn bị cho một tương lai rất dài chờ ở phía trước.
Điều dễ nhận thấy là trong một sớm, một chiều, nhóm tiếp sức này chưa thể thay thế vai trò của những đàn chị đi trước được. Nên nhớ, Thái Lan vẫn được đánh giá là mạnh nhất ở nội dung này, tiếp theo là In-đô-nê-xi-a và nếu muốn giành được huy chương bất kỳ, tổ 4x100m phải đạt thông số thành tích dưới 45 giây - một cột mốc khó khăn. Ngay cả khi tổ chạy tiếp sức còn sở hữu “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương, thì thành tích tốt nhất vẫn chỉ là HCB, về sau người Thái.
Đấy là chuyện ở tổ chạy ngắn. Nhích lên trên một chút, Quách Thị Lan được cho là gương mặt sáng giá nhất ở cự ly 400m nữ. VĐV này đang được đưa đi tập huấn ở Mỹ trong vòng 2 tháng với quyết tâm sẽ giành được HCV trên đất Xinh-ga-po. Kỳ đại hội trước, Lan chỉ về thứ nhì dù được kỳ vọng rất lớn. Lần này, có vẻ như tham vọng của Lan là thật, nhưng thắng được nhà vô địch Tri-oa-đi Dong-phan (Thái Lan) được hay không lại là chuyện khác, còn tùy thuộc vào cách mà VĐV của Việt Nam thể hiện trên đường chạy. Đoạt HCV chính là sức ép không hề nhỏ đối với cô gái xứ Thanh này.
Hai năm trở lại đây, tổ 4x400m nữ được đánh giá có triển vọng, vì quy tụ được bộ tứ rất mạnh là Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Thị Thúy. Tiếc rằng việc đầu tư cho tổ này vừa ít thời gian, lại vừa bị ngắt quãng nên mới “xôi hỏng, bỏng không”. Giới chức điền kinh từng bị chỉ trích rất nhiều qua vụ việc kể trên, nhưng chẳng có bài học kinh nghiệm nào được rút tỉa, để giờ đây, tổ 4x400m coi như tạm… khai tử, chỉ trông chờ vào một mình Quách Thị Lan ở cự ly cá nhân.
Kỳ SEA Games 27, đội tuyển Điền kinh Việt Nam giành 10 HCV. Nhưng sau khi có biến động đáng kể về lực lượng, không thể áp đặt nguyên vẹn chỉ tiêu ấy cho đội tuyển. Tự tạo nên áp lực cho chính mình, nói như người trong giới, sẽ càng khiến điền kinh thất bại. Kiểu giao thành tích như thế không chỉ xuất hiện ở điền kinh, mà còn ở nhiều môn trọng điểm khác nữa và nó vô tình trở thành gánh nặng tâm lý đối với các VĐV - những người chuẩn bị bước vào cuộc tranh tài./.
Theo: SGGP