Những năm gần đây, phong trào tập luyện môn thể thao cầu lông phát triển mạnh ở cả 10 huyện, thành phố trong tỉnh. Cơ sở vật chất được đầu tư, các giải cầu lông từ cơ sở đến tỉnh được tổ chức ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn đã đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu giao lưu của cán bộ, nhân dân.
Đến nay trên địa bàn tỉnh có 283 nhà tập luyện, thi đấu thể thao, trong đó chiếm phần lớn là nhà tập cầu lông với trang thiết bị được đầu tư hiện đại. Thành phố Nam Định có phong trào cầu lông phát triển mạnh nhất với hàng chục nhà tập luyện ở khắp các cơ quan, đơn vị, trường học như Cty Xăng dầu Hà Nam Ninh, Ngân hàng NN và PTNT thành phố, Sở KH và CN, Sở TN và MT, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định… Cùng với sân chơi trong nhà, các sân chơi cầu lông ngoài trời cũng được cấp uỷ, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị quan tâm đầu tư xây dựng. Nhiều xã, thị trấn trong quá trình xây dựng NTM đã quy hoạch sân cầu lông trong khuôn viên các khu thể thao các thôn, xóm. Đến nay, huyện Nghĩa Hưng có khoảng gần 220 sân, huyện Giao Thuỷ có khoảng 200 sân, huyện Hải Hậu có khoảng 160 sân, huyện Ý Yên có trên 100 sân cầu lông trong nhà và ngoài trời. Các CLB cầu lông ra đời ngày càng nhiều với quy chế hoạt động nền nếp đã tạo được sân chơi bổ ích cho những người cùng đam mê nhằm duy trì phong trào và xây dựng đội tuyển cầu lông để cạnh tranh tại các giải đấu. Toàn tỉnh hiện có hàng nghìn thanh, thiếu niên, phụ nữ, người cao tuổi, học sinh, công nhân, lực lượng vũ trang... tham gia tập luyện cầu lông thường xuyên. Bên cạnh đó, phong trào cầu lông của tỉnh phát triển nhanh bởi những năm qua, ngành GD và ĐT tỉnh đã đưa môn cầu lông vào giảng dạy tiết học tự chọn, đồng thời tổ chức môn thi cầu lông trong giải thể thao học sinh của ngành hằng năm đã góp phần thúc đẩy phong trào chơi cầu lông trong tuổi trẻ của tỉnh.
Một trận đấu trong Giải cầu lông toàn tỉnh năm 2015. |
Trên cơ sở phong trào phát triển mạnh, mỗi năm từ cấp huyện đến cấp xã trong tỉnh đã tổ chức hàng trăm giải cầu lông lớn nhỏ vào những dịp kỷ niệm của đất nước, ngày thành lập ngành… Nhiều giải đấu phong trào của các ngành, các xã, thị trấn đã thu hút được sự hưởng ứng và tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ở cấp tỉnh, hằng năm cũng diễn ra hàng chục giải thi đấu cầu lông; tiêu biểu như Giải cầu lông viên chức lao động tỉnh do LĐLĐ tỉnh tổ chức, Giải cầu lông các chức sắc tôn giáo tỉnh do Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức, Giải cầu lông CLB VH-TT khu vực Tỉnh ủy, Giải cầu lông các ngành: Y tế, GD và ĐT, Ngân hàng Nhà nước… Trong đó, quy mô lớn nhất, đánh giá toàn diện phong trào cầu lông của các ngành, các địa phương trong tỉnh là Giải cầu lông toàn tỉnh do Sở VH, TT và DL tổ chức vào dịp kỷ niệm Chiến thắng 30-4 và Ngày Quốc tế Lao động 1-5. Giải cầu lông toàn tỉnh năm 2015 được tổ chức cuối tháng 4-2015 thành công cả về công tác tổ chức, chất lượng chuyên môn. Giải cầu lông toàn tỉnh 2015 có sự tham gia của 150 VĐV đến từ 21 đoàn các sở, ban, ngành, thành phố và các huyện trong tỉnh, là giải có số lượng VĐV đông nhất từ trước đến nay, đã cho thấy phong trào cầu lông trong tỉnh phát triển mạnh. Giải được chia làm 2 khối: khối các sở, ban, ngành, thành phố và khối các huyện được thi đấu ở 4 sân thuộc Nhà thi đấu Trần Quốc Toản, Văn phòng Sở VH, TT và DL, Trụ sở Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh.
Các VĐV thi đấu ở 5 nội dung: đôi nam dưới 35 tuổi, đôi nam 36-45 tuổi, đôi nam trên 46 tuổi, đôi nam nữ và đôi nữ. So với các lần tổ chức trước đó, giải cầu lông năm nay có chất lượng chuyên môn vượt trội khi các đoàn tham dự đều có những VĐV có trình độ cao. Giải đấu thực sự là sân chơi bổ ích, lý thú cho những VĐV cầu lông phong trào, là dịp để cọ sát, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Thành phố Nam Định tiếp tục khẳng định là nơi có phong trào cầu lông phát triển khi có nhiều VĐV có kỹ thuật, tâm lý thi đấu tốt. Tiêu biểu như cặp VĐV Nguyễn Quốc Thường, Đỗ Sơn Tùng giành giải nhất ở nội dung đôi nam 36-45 tuổi; cặp VĐV Trần Ngọc Anh, Phùng Công Tuấn giành giải nhất đôi nam từ 46 tuổi trở lên…, góp phần đưa đoàn VĐV thành phố giành giải nhất khối các ngành, thành phố. Sau Thành phố Nam Định là Công an tỉnh với nhiều tay vợt có trình độ cao, kinh nghiệm thi đấu như cặp VĐV Đỗ Hải Đăng, Phạm Trung Hiến giành giải nhất đôi nam từ 35 tuổi trở xuống; cặp VĐV Đoàn Thu Trang, Trần Bích Ngọc giành giải nhất nội dung đôi nữ. Ở khối các huyện, các huyện Xuân Trường, Nam Trực, Giao Thuỷ đạt giải cao bởi đó là thành quả từ phong trào cầu lông phát triển sâu rộng. Trong đó đoàn VĐV huyện Xuân Trường giành giải nhất với 2 giải nhất nội dung đôi nam từ 36-45 tuổi và đôi nữ, một giải nhì đôi nam từ 46 tuổi trở lên, một giải ba đôi nam từ 35 tuổi trở xuống. Huyện Nam Trực giành giải nhì khối các huyện với 2 giải nhất đôi nam 35 tuổi trở xuống và đôi nam nữ, một giải nhì đôi nữ…
Để phong trào cầu lông ngày càng phát triển, trong thời gian tới các ngành, các địa phương cần thực hiện tốt công tác xã hội hoá TDTT, nhằm xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị; tổ chức ngày càng nhiều các giải đấu phong trào để tăng cường tính cọ sát cho các VĐV; đưa phong trào cầu lông ngày càng phát triển./.
Bài và ảnh: Thanh Ngọc