Càng đến gần thời điểm chốt danh sách lên đường tham dự SEA Games 28, rắc rối ở một số đội tuyển càng có dịp phát sinh, nhiều đến mức khó mà kiểm soát được. Tính từ đầu năm đến nay, hết xảy ra tranh cãi ở đội tuyển điền kinh, quần vợt rồi bóng chuyền, giờ bóng bàn cũng đụng chuyện. Giới quản lý thể thao Việt Nam thừa nhận đây luôn là thời điểm nhạy cảm thật sự…
Ít ngày trước, tưởng chừng sau khi Liên đoàn Bóng chuyền quốc gia (VFV) quyết định thay HLV trưởng cho đội tuyển nữ (ông Thái Thanh Tùng sẽ thay thế ông Phạm Văn Long), trật tự sẽ được thiết lập, thì rắc rối khác lại xuất hiện. Lần này là chuyện loại trợ lý Nguyễn Quốc Vũ (CLB VTV Bình Điền Long An) khỏi Ban huấn luyện (BHL) đội tuyển, thay vào đó là bà Ngọc Anh - HLV chưa từng tạo được bất kỳ dấu ấn chuyên môn nào dưới thời HLV trưởng tiền nhiệm.
Ảnh: Internet |
Được biết, Ban chuyên môn đã quyết định chọn BHL cho đội tuyển nữ gồm HLV trưởng Thái Thanh Tùng và các trợ lý Nguyễn Quốc Vũ, Phạm Thanh Hà, nhưng không hiểu sao lại xuất hiện những thông tin gây nhiễu và tạo ra sức ép nặng nề với ông Thái Thanh Tùng - người mà VFV vừa khẳng định được toàn quyền quyết định chọn các trợ lý cho mình.
Nguy cơ tiềm ẩn trong nội bộ VFV vẫn rất lớn, có thể ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của 2 đội tuyển nam và nữ cho SEA Games 28. Nên nhớ, chỉ tiêu thành tích giao cho đội tuyển nữ là HCB và đội tuyển nam là HCĐ, nên nếu nội tình chưa yên, thật khó để họ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tương tự, tranh cãi ở đội tuyển quần vợt nam vẫn chưa có điểm dừng, mặc dù lãnh đạo bộ môn quần vợt và liên đoàn đã đưa ra hướng giải quyết, nhưng theo đánh giá của giới quan sát là chưa thấu đáo, có sự khoan nhượng nhất định.
Ở đội tuyển bóng bàn, tay vợt Đào Duy Hoàng của Thành phố Hồ Chí Minh phàn nàn về việc anh không có tên trong thành phần đội tuyển quốc gia dự SEA Games. Tay vợt này nêu thắc mắc rằng lâu nay chọn VĐV cho đội tuyển quốc gia luôn có tiêu chí rõ ràng, thậm chí là có các vòng đấu nội bộ để tuyển chọn, nhưng kỳ này BHL lại tự ý quyết định nhân sự. Duy Hoàng đoạt HCĐ đơn nam, HCB đôi nam và HCV đôi nam - nữ ở giải vô địch quốc gia, tức là hội đủ những tiêu chí cần thiết để được vinh dự khoác áo đội tuyển đấu ở SEA Games. Lý giải của HLV trưởng Nguyễn Đức Long cho rằng Duy Hoàng thường thua cuộc khi dự giải quốc tế, trong khi tay vợt kỳ cựu Đinh Quang Linh luôn giữ được thành tích khá ổn định khi xuất ngoại. Tay vợt khoác áo lính này từng đoạt HCV SEA Games trước đây ở nội dung đôi nam - nữ.
Giới làm nghề phân tích, lẽ ra khi tuyển chọn VĐV cho đội tuyển, cần có sự công khai và giải thích vì sao lại chọn người này mà không chọn người kia. Nếu làm được điều đó, chắc chắn đã không có chuyện tay vợt của Thành phố Hồ Chí Minh phải bức xúc lên tiếng.
Bức tranh thể thao Việt Nam trong những năm chuẩn bị cho SEA Games hay cho đấu trường lớn hơn là Asiad luôn xảy ra những tranh cãi như thế. Theo cách nói của những nhà quản lý, kiểm soát khủng hoảng luôn là điều khó khăn.
Thực ra, nếu quản lý chặt, việc chọn lựa con người cho các đội tuyển dựa trên tiêu chí rõ ràng, được Hội đồng chuyên môn thẩm định kỹ càng thì có lẽ đã hạn chế được đáng kể những vụ lộn xộn như vừa qua và dĩ nhiên sẽ bớt “điên đầu” trong thời điểm khẩn trương chuẩn bị cho đấu trường SEA Games./.
Theo: SGGP