Năm ngoái, khi quyết định thuê chuyên gia người Trung Quốc cho đội tuyển nữ trẻ quốc gia, Liên đoàn Bóng chuyền (VFV) hy vọng một tương lai không xa, khoảng cách trình độ so với Thái Lan sẽ được xóa bỏ. Ông Rong Han Yan được giới làm nghề đánh giá cao, đương nhiên được cho là phù hợp trong nỗ lực cách tân bóng chuyền nữ Việt Nam.
Tiếc thay, khi mối lương duyên chỉ vừa nhen nhóm, vị chuyên gia này bất ngờ qua đời vì trụy tim. Giới chức VFV cũng vì quá sốc nên gác lại kế hoạch thuê chuyên gia cho đội tuyển trẻ, trở lại với phương án dùng “hàng nội”, dù chất lượng đào tạo của các HLV trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu cao.
Đấy là chuyện ở đội trẻ. Ở đội tuyển quốc gia (ĐTQG), thuê thầy ngoại cũng là vấn đề được bàn thảo nhiều, thậm chí đã nâng lên tầm chiến lược. Song, trước mỗi lần tập trung ĐTQG cho SEA Games hay đấu trường lớn như giải vô địch châu Á, Asiad… chuyên gia chỉ được nhắc qua quýt rồi thôi, trước khi VFV ấn định “bộ sậu” BHL đội tuyển gồm các HLV trong nước.
Không bàn đến đội tuyển nam, bởi lâu nay đấy vẫn là nơi khá yên bình, ông Phùng Công Hưng hay có khi là HLV Nguyễn Mạnh Hùng dẫn dắt cũng được, ít khi gây ra rắc rối. Nhưng cách chọn thầy cho đội tuyển nữ luôn gây ra ồn ào. Mới đây nhất, thậm chí đã có nhiều nhà báo lão thành gửi cả bản kiến nghị lên Bộ VH, TT và DL và Tổng cục TDTT đề nghị xem xét lại tư cách của HLV trưởng Phạm Văn Long.
Giới làm nghề vẫn đánh giá cao khả năng chuyên môn của HLV này, nhưng cách hành xử của ông Long trên sân tập, trong lúc chỉ đạo VĐV thi đấu từ cấp độ CLB cho đến ĐTQG từng gây nên điều tiếng và khá phản cảm. Chính lãnh đạo Tổng cục TDTT vừa cho biết, sẽ cân nhắc và có thể thay đổi vai trò HLV trưởng đội tuyển nữ trong nay mai. Thậm chí, Tổng cục TDTT sẽ rà soát lại toàn bộ thành viên trong BHL cũng như các tuyển thủ được triệu tập đợt 1 (tính từ đầu năm 2015), trước khi bổ sung thêm nhân sự và chốt lại thành phần chính thức dự SEA Games 28 ở Xinh-ga-po vào tháng 6.
Lâu nay, người trong giới bóng chuyền có truyền miệng một câu khá vui, rằng “bất cứ HLV nào dẫn dắt đội tuyển nữ cũng sẽ giành được HCB”, vì trên thực tế trình độ bóng chuyền nữ Việt Nam ở Đông Nam Á chỉ xếp sau người Thái, nhưng đã tạo được khoảng cách khá xa so với các nước còn lại. Hơn 10 năm qua điều đó vẫn đúng.
Vấn đề ở đây, khi ĐTQG đang được trẻ hóa mạnh mẽ, lứa Kim Huệ, Hà Thị Hoa, Nguyễn Thị Xuân, Phạm Thị Yến, Ngọc Hoa… rút lui dần, nhường lại sân chơi cho những gương mặt triển vọng như Hà Ngọc Diễm, Trần Thị Thanh Thúy, Lê Thanh Thúy, Nguyễn Linh Chi, Bùi Thị Ngà, Đoàn Thị Xuân, Trần Thị Thảo… rất cần một chuyên gia nước ngoài thực sự giỏi và có thái độ làm việc chuyên nghiệp để giúp chúng ta cải tiến chiến lược xây dựng cũng như đào tạo các tuyến VĐV trẻ.
Lâu nay, kiểu làm dựa vào kinh nghiệm cá nhân là chính của nhiều HLV trong nước chỉ đủ giúp ĐTQG duy trì thành tích đoạt HCB ở đấu trường SEA Games, chưa từng tạo được tiếng vang thực sự ở cấp châu lục, giống như cách mà bóng chuyền nữ Thái Lan 2 lần bước lên ngôi vô địch châu Á trong vòng 5 năm trở lại đây.
Giới chức VFV có lúc đã nghĩ đến việc thuê chuyên gia giỏi của Nhật Bản hoặc Trung Quốc, nhưng vì còn lưỡng lự và đôi lúc không đủ dũng khí để dấn mình tạo nên một cuộc cách tân thực sự cho bóng chuyền Việt Nam, nên thành tích của các ĐTQG sau nhiều năm vẫn chưa thoát khỏi “ao làng” Đông Nam Á…
Theo: SGGP