Vẫn chưa thuộc bài

09:03, 13/03/2015

Vụ Taekwondo Việt Nam bị tước quyền đăng cai giải quyền vô địch thế giới năm 2015 thực ra không có gì ầm ĩ. Nó chỉ ra rằng thể thao Việt Nam vẫn chưa từ bỏ được tính chủ quan trong cuộc chơi quốc tế, và thêm một lần những nhà hoạch định chiến lược lại nếm phải trái đắng.

So với việc phải rút đăng cai Asiad 2018, thì câu chuyện của Taekwondo quá nhỏ bé. Qua đó mới thấy thể thao Việt Nam học nhiều, va chạm nhiều và thất bại cũng nhiều nhưng vẫn không chịu thuộc bài, dễ mất kiểm soát đến độ thường để xảy ra những vụ việc mất uy tín như trên.

Về cơ bản, bị tước quyền đăng cai hay buộc phải từ bỏ do thiếu kinh phí là tương tự nhau, vì chúng ta đều mất đi cơ hội tổ chức một giải đấu tầm cỡ thế giới, quy tụ những VĐV xuất sắc nhất đến từ các châu lục. Song ở đây, trong phạm vi hẹp của Taekwondo Việt Nam, người ta thấy ngán ngẩm cho phong cách làm việc không ổn của cả một bộ máy. Vận động tài trợ chưa xong đã lo chạy đua tranh quyền đăng cai, đến khi vỡ lở ra chuyện Taekwondo Việt Nam chưa hề đóng tiền ký quỹ (50.000 USD) để khẳng định mình đủ năng lực tài chính tổ chức giải đấu lớn này, nhiều người chỉ biết lắc đầu. Được biết, Liên đoàn Taekwondo thế giới (WTF) thậm chí đã nới lỏng thời gian cho chúng ta chuẩn bị kinh phí, nhưng rốt cuộc đành đưa ra quyết định chẳng đặng đừng là tước quyền đăng cai.

Đấy không hẳn là một cú sốc lớn, nhưng nó cũng khiến những nhà quản lý thể thao Việt Nam, đặc biệt là ở Liên đoàn Taekwondo quốc gia phải xấu hổ trước bạn bè quốc tế. Uy tín của Taekwondo Việt Nam vì thế cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể về sau này.

Cách đây 7 năm, bộ môn Taekwondo cũng từng phải ra tòa để giải quyết vụ nợ nần tiền bạc sau khi đăng cai vòng loại Olympic 2008. Khi đó, doanh nghiệp tư nhân Minh Hạnh đã khởi kiện Liên đoàn Taekwondo mượn khoản tiền 200 nghìn USD để tổ chức giải, đồng thời hứa hẹn sẽ trả đầy đủ sau khi khép lại cuộc tranh tài này một thời gian ngắn. Nhưng sự việc trở nên căng thẳng vì những người có trách nhiệm ở liên đoàn đổ lỗi lòng vòng, quy hết rắc rối cho nhà tài trợ là Tập đoàn Basownn của Hồng Công - nơi đã hứa hẹn sẽ tài trợ cho vòng loại tuyển chọn VĐV dự tranh Olympic 2008. Rốt cuộc, phán quyết của tòa án đã bắt buộc Tập đoàn Basownn phải hoàn trả 200 nghìn USD cho doanh nghiệp Minh Hạnh, đã khiến lãnh đạo Liên đoàn Taekwondo một phen xính vính…

Trở lại với chuyện bị tước quyền đăng cai giải thế giới, sau khi xảy ra sự cố, điều mà giới quan sát nhận thấy rất rõ chính là năng lực vận động tài trợ của Taekwondo ngày càng yếu. Trước kia, Taekwondo là một trong những Liên đoàn Thể thao giỏi kiếm tiền để hoạt động, tổ chức thành công nhiều giải vô địch Đông Nam Á, vô địch châu Á cũng như từng đăng cai vòng loại Olympic…

Không hẳn Taekwondo thiếu 50 nghìn USD tiền ký quỹ với WTF, mà chủ yếu vì nếu tiếp tục giữ quyền đăng cai giải thế giới vào tháng 11, nhiều khả năng nguồn kinh phí vận động để tổ chức, lo chỗ ăn, chỗ nghỉ, bổ sung trang thiết bị… sẽ không đảm bảo. Đấy mới là mấu chốt vấn đề.

Về chủ trương, chính Tổng cục TDTT đã thừa nhận ủng hộ Taekwondo đưa giải quyền thế giới 2015 về Việt Nam đăng cai, tức là nếu không đủ năng lực thực hiện, Taekwondo có thể “nhờ vả” cơ quan quản lý ngành thể thao, để tránh tình trạng bị bẽ mặt như kể trên. Nếu biết trước khó khăn, lẽ ra ngay từ đầu Taekwondo Việt Nam không nên cố chạy đua để tranh quyền đăng cai giải đấu cho bằng được./.

Theo: SGGP
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com