Đội tuyển hay "nhóm trẻ"?

09:03, 27/03/2015

Thành tích của tuyển Ô-lim-pích tại vòng loại U.23 châu Á vẫn còn là dấu hỏi lớn bởi quá trình tập trung và chuẩn bị có khá nhiều điều mâu thuẫn. Ban đầu, người ta tin vào tài năng của HLV Miu-ra khi ông có màn ra mắt khá thành công ở AFF Cup 2014. Nhưng rồi kết quả thi đấu nghèo nàn của tuyển Ô-lim-pích trong các trận tập huấn vừa qua khiến không ít người trở nên nghi ngờ. Đặc biệt, vấn đề thể lực cầu thủ được xem là khâu đột phá trong phương pháp huấn luyện lại trở nên mong manh khi hàng loạt cầu thủ chấn thương trong quá trình tập trung.

Vậy vấn đề có phải từ HLV Miu-ra hay phương pháp huấn luyện? Có lẽ đã đến lúc thẳng thắn nhìn nhận rằng cách thức tập trung đội tuyển không phù hợp như hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến kết quả thi đấu của tuyển Ô-lim-pích nói riêng và các đội tuyển nhiều cấp độ nói chung trong thời gian qua luôn phập phù. Đồng thời, chính cách thức tập trung này ảnh hưởng tiêu cực đến giải vô địch quốc gia V-League cũng như công tác đào tạo của các CLB.

Có lẽ còn rất ít nền bóng đá chọn cách tập trung các đội tuyển quốc gia như một “nhóm trẻ” như bóng đá Việt Nam và một số nước Đông Nam Á còn làm. Xem các quốc gia châu Âu, Nam Mỹ có giải vô địch quốc gia mạnh, việc tập trung đội tuyển quốc gia của họ gần như không ảnh hưởng gì đến các giải đấu. Ngoài đội tuyển quốc gia, họ còn đầy đủ các lứa U, tham gia hầu hết các giải đấu trong khuôn khổ do FIFA tổ chức. Ngay cả Thái Lan giờ đây cũng không còn chọn cách tập trung dài hạn như các nước Đông Nam Á khác, nhưng chất lượng đội tuyển của họ thì ngày càng có khoảng cách xa với khu vực.

Với hầu hết các nước, được tập trung vào đội tuyển thì đúng nghĩa đó là tuyển thủ. Những cầu thủ này luôn trong tâm thế sẵn sàng thi đấu với chất lượng cao nhất. Khi đó, huấn luyện viên đôi khi chỉ còn vai trò kết nối họ lại với nhau mà thôi. Với lịch thi đấu dày nhưng khoa học của các giải đấu được lên từ trước, thời gian cho việc tập trung đội tuyển chỉ khoảng một tuần, vừa kết nối vừa thi đấu. Ngay cả FIFA cũng không thể can thiệp để cầu thủ làm nhiệm vụ quốc gia quá lâu, ảnh hưởng đến việc thi đấu cho các CLB. Vì vậy, bóng đá hiện đại làm gì có chuyện gọi tập trung đội tuyển đến cả tháng trời; khi tập trung mới rèn thể lực, rồi tập chiến thuật, rồi đấu tập để… chọn ra lối đá phù hợp nhất!

V-League 2015 được xem là có nhiều cải tiến, nhưng nhìn lịch thi đấu giật cục mới thấy nó vẫn còn lạc hậu nhiều so với các nước. Sau vòng 8 diễn ra trước Tết Ất Mùi, V-League phải nghỉ trọn 2 tháng để… tập trung đội tuyển Ô-lim-pích. Ngày 12-4, V-League sẽ khởi tranh trở lại, nhưng cũng thi đấu đến vòng 12 lại phải nghỉ tiếp để tập trung đội tuyển U.23 và tuyển quốc gia thi đấu SEA Games và vòng loại World Cup. Khi đó, một lần nữa vài chục cầu thủ được tập trung để rèn thể lực, tập chiến thuật, rồi đấu tập để chọn ra đội hình ưng ý nhất… Trong khi, tất cả những điều đó là không cần thiết nếu tập trung tổ chức một V-League chất lượng, hình thành phong cách nhà nghề cho cầu thủ, để mỗi khi lên tuyển là chỉ cống hiến chứ không phải tập tành như một nhóm trẻ không có kinh nghiệm gì. Tất nhiên, làm được điều đó chỉ có thể bằng cách liên đoàn phải có những người giỏi, am hiểu bóng đá và chịu đổi mới./.

Theo: SGGP



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com