Bóng đá là môn thể thao được xem là gần với sự chuyên nghiệp nhất, nhưng cũng vẫn xảy ra rắc rối, tranh cãi về quy chế chuyển nhượng, nhiều đội bóng bỏ cuộc giữa chừng vì khó khăn tài chính. Tức là, nói như nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong làng bóng, đấy là sự “chuyên nghiệp nửa vời”.
Thành thử, xây dựng một lộ trình phát triển cho những môn thể thao trọng điểm khác ở Việt Nam như bơi lội, điền kinh, bóng chuyền, xe đạp, quần vợt, cầu lông… tiến lên chuyên nghiệp chẳng dễ dàng gì.
So về tầm mức đầu tư, bóng đá vẫn dẫn đầu, rất tốn kém. Phần còn lại (các môn thể thao khác) hoặc trông chờ vào công tác xã hội hóa, hoặc sống dựa vào nguồn kinh phí Nhà nước. Nhưng có làm “dữ dội” đến mấy đi nữa thì thanh khoản cũng chỉ bằng một góc rất nhỏ so với bóng đá.
Thế mới có chuyện nhiều địa phương chọn một vài môn để tập trung kinh phí đầu tư, cho ra lò vài gương mặt xuất sắc, kiểu như judo Bến Tre có nữ võ sĩ Văn Ngọc Tú, điền kinh Cà Mau có Dương Thị Việt Anh, bóng chuyền Vĩnh Long có Từ Thanh Thuận và Hà Ngọc Diễm, bơi lội Đà Nẵng có Hoàng Quý Phước…
Riêng hai trung tâm hàng đầu là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội lại chọn kiểu làm khác, đầu tư khá dàn trải cho nhiều môn, ít cũng tới 20, mà nhiều thì lên đến con số 40 môn. Chính vì thế, chất lượng đôi khi tỷ lệ nghịch với kinh phí bỏ ra. Thậm chí, vì vẫn còn loay hoay với tư duy “đã có tiếng phải kéo đội quân đi hùng hậu”, nên ở những sự kiện thể thao quan trọng như giải VĐQG hay Đại hội TDTT toàn quốc, đôi khi Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không thể chiếm cứ ngôi đầu vì quân đông nhưng kỳ thực chưa tinh.
Ở Đại hội TDTT toàn quốc 2014, bơi lội Quân đội chỉ sở hữu một VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên cũng đủ vươn lên dẫn đầu toàn đoàn. Điền kinh Thanh Hóa lần đầu tiên qua mặt Hà Nội, Nam Định, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh để chiếm vị trí thứ nhất. Trong khi đó, taekwondo vốn là môn thế mạnh của thể thao Thành phố Hồ Chí Minh (từng giữ số 1 cả nước và cung cấp nhiều tuyển thủ quốc gia nhất ở các sân chơi quốc tế) thậm chí không màng thành tích, cho nhiều địa phương mượn quân để thi đấu, bị xếp vào diện “dàn cảnh mua - bán huy chương”…
Trước thềm các giải đấu trong nước nhiều năm qua, thực ra đấy là điều quá ư bình thường. Giới truyền thông đề cập nhiều, dư luận chỉ trích cũng nặng nề, song nhiều địa phương không đào tạo được VĐV giỏi vẫn cố tình lách luật, đề nghị chuyển nhượng tạm thời hoặc thuê VĐV nơi khác về thi đấu, cốt kiếm chút thành quả để báo cáo ở buổi họp tổng kết ngành cuối năm.
Vấn đề này không mới, được Tổng cục TDTT đưa ra nghiên cứu, bàn thảo rồi lấy ý kiến tham vấn nhiều rồi, nhưng rốt cuộc cách giải quyết thấu đáo nhất vẫn không thể có, chủ yếu do vướng mắc cơ chế, do đặc thù của các môn thể thao có phần khác biệt. “Trợ thủ” cho Tổng cục TDTT chính là bộ môn, các liên đoàn thể thao cũng như Sở VH, TT và DL địa phương, tuy nhiên đôi khi không vướng mắc ở thượng tầng mà sự cố xuất hiện từ phân khúc dưới (bộ môn của sở, liên đoàn địa phương…).
Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - mới đây đã phải lên tiếng cho biết, kể từ năm 2015, mọi quy chế chuyển nhượng VĐV ở các môn phải được chuẩn hóa, được chính Tổng cục phê duyệt và hạn chế xảy ra tranh cãi đến mức tối đa. Nếu làm đồng bộ và làm tốt, thì tức là điều đó sẽ giúp chính Tổng cục TDTT thuận lợi hơn trong công tác quản lý HLV, VĐV cũng như sự phát triển bền vững của tất cả các môn thể thao trọng điểm như điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ, bóng chuyền, xe đạp, bắn súng, bóng bàn, cầu lông, quần vợt… hoặc vài môn được xếp vào diện có thể xã hội hóa toàn diện như golf, billiards&snooker./.
Theo: SGGP