Các môn thể thao trong lễ hội mùa xuân

04:02, 28/02/2015

Xuân về, các miền quê trong tỉnh lại sôi động tổ chức các lễ hội với các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian gắn với lịch sử văn hóa truyền thống của mỗi địa phương.  

Vào đầu xuân Ất Mùi 2015 xã Giao Hải (Giao Thuỷ) khánh thành việc trùng tu, tôn tạo và tổ chức lễ hội Đình - Đền Kiên Hành, tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân với quê hương. Lễ hội được tổ chức trong các ngày từ mùng 3 đến mùng 5 Tết, với các hoạt động: rước 7 sắc phong thời Nguyễn, khánh thành Đình - Đền; tổ chức các môn thể thao truyền thống như vật tự do, cờ tướng, tổ tôm, bóng chuyền và một số trò chơi dân gian khác. Đặc biệt từ lâu, xã Giao Hải có truyền thống võ vật với nhiều đô vật từng đoạt giải cao thời phong kiến, ngày nay đội vật của xã luôn đại diện cho huyện tham gia và đoạt giải cao tại Giải vật tự do hằng năm. Dịp lễ hội Đình - Đền Kiên Hành là dịp để các đô vật trong xã ôn lại các miếng đánh, các bài xe đài, cuốn chỉ, đồng thời nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Giải vật tự do tỉnh năm 2015. Cùng với Lễ hội Đình - Đền Kiên Hành, trong dịp đầu xuân, các địa phương của huyện Giao Thuỷ cũng tổ chức nhiều lễ hội với đa dạng các môn thể thao truyền thống. Lễ hội Đền - Chùa Thanh Khiết, xã Giao Yến diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch tưởng nhớ công lao của Triệu Việt Vương cùng các bậc tiền nhân đã có công mở đất. Từ nhiều năm nay, lễ hội luôn tổ chức các trò chơi dân gian như: chọi gà, tổ tôm điếm… Đặc biệt là trò chơi đi cà kheo tái tạo lại cuộc sống lao động sản xuất của những ngư dân ven biển. Lễ hội làng Hòe Nha, xã Giao Tiến diễn ra vào ngày 14-15 tháng Giêng âm lịch với nhiều trò chơi dân gian truyền thống; trong đó ngày 14 tháng Giêng sẽ diễn ra cuộc thi bơi chải với các tay chèo trong trang phục truyền thống, đầu chít khăn khéo léo đưa chải lướt đi vun vút trên dòng sông quê. Lễ hội Đền - Chùa Diêm Điền, xã Bình Hòa diễn ra vào ngày 19 tháng Ba âm lịch tưởng nhớ các ông tổ đã có công khẩn hoang lấn biển. Trong những ngày lễ hội Đền - Chùa Diêm Điền, sẽ diễn ra các môn thể thao truyền thống như đấu vật, đấu võ, các trò chơi chọi gà, tổ tôm điếm, thi đấu cờ người…

Chơi cờ trình trong Lễ hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường).
Chơi cờ trình trong Lễ hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường).

Theo thống kê sơ bộ, vào mùa xuân, trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 100 lễ hội được tổ chức trải dài trên khắp các làng quê ở các huyện: Nam Trực, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên, Xuân Trường… với các môn thể thao truyền thống như vật, bơi chải, cờ người, cờ trình, kéo co, biểu diễn võ thuật và các trò chơi dân gian như leo cầu ngô, bắt vịt, thổi cơm thi, bịt mắt đập niêu... Huyện Xuân Trường nổi tiếng với nhiều lễ hội đầu xuân tổ chức các trò chơi dân gian như Lễ hội Đền làng An Cư, xã Xuân Vinh, lễ hội làng Xuân Bảng, Thị trấn Xuân Trường, lễ hội làng Nhân Thọ, xã Thọ Nghiệp, lễ hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng… Các lễ hội đều có nhiều môn thể thao truyền thống như đấu vật, chọi gà, tổ tôm, đánh cờ trình, nhưng sôi nổi nhất, đặc sắc nhất là các cuộc thi bơi chải. Cuộc thi bơi chải trong lễ hội Đền làng An Cư, xã Xuân Vinh diễn ra vào các ngày mùng 6 và 7 tháng Giêng thu hút sự tham gia của 10 xóm; mỗi chải có 11 người gồm 10 tay chải và 1 lái trưởng. Từ chiều mùng 2 Tết, các xóm làm lễ hạ chải và tổ chức tập luyện đến sáng mùng 6 làm lễ dâng hương Đền làng An Cư, sau đó các đội khiêng chải ra sông cầu Đình hạ chải. Đường đua của đội chải nam bắt đầu từ cầu Đình, xóm 5, đến vị trí giao tại điểm sông Mã rồi quay về điểm xuất phát, với tổng chiều dài 7.705m. Đường đua của đội nữ cũng xuất phát từ cầu Đình xóm 5 đến vị trí giao tại cầu Đá rồi quay về điểm xuất phát, với tổng chiều dài 5.205m. Theo quy định, các chải xuất phát cách nhau 5 phút, thi đấu theo hình thức tính giờ. Huyện Nam Trực cũng có nhiều lễ hội mùa xuân. Lễ hội chùa Bi tổ chức vào các ngày 20 và 21 tháng Giêng hấp dẫn mọi người bởi nhiều hoạt động thể thao truyền thống: đấu vật, cờ người, tổ tôm điếm. Lễ hội Đền An Lá, xã Nghĩa An từ xưa đã nổi tiếng với các trò múa rồng, múa sư tử, leo cầu kiều; Lễ hội Đền Đá, xã Tân Thịnh những năm trước đây luôn tổ chức các cuộc thi: làm oản, làm bánh tế thánh, thi làm cỗ, múa gậy, kéo dây, đấu roi… Huyện Vụ Bản có hàng chục lễ hội mùa xuân với đa dạng các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống của cha ông. Trong đó lễ hội mùa xuân ở các xã Trung Thành, Quang Trung, Đại Thắng, Thành Lợi… có nhiều môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian như múa rồng, lân, sư tử, thi đấu cờ người, đấu vật, tổ tôm điếm. Đặc biệt, trong Lễ hội Phủ Dầy, huyện đã khôi phục một số môn thể thao truyền thống như đấu vật, múa rồng, hoa trượng hội ở Phủ Tiên Hương, chơi cờ người ở Phủ Vân Cát…

Việc khôi phục, phát triển các trò chơi, các môn thể thao dân gian trong dịp đầu xuân nhằm khơi dậy, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa “Tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com