Một bài toán khó

09:01, 30/01/2015

Bóng chuyền Việt Nam lại đón nhận tin không vui đầu năm 2015: khả năng nhiều đội bóng nam và nữ Quân đội sẽ phải tạm biệt cuộc chơi kể từ mùa giải năm sau nếu không thực hiện công tác xã hội hóa, tự chủ trong việc tìm kiếm nguồn tài chính. Trừ 2 đội bóng tên tuổi giàu truyền thống là nam Thể Công và nữ Thông tin được giữ lại - 2 đội bóng đang chơi ở giải VĐQG và hạng A.

Lệnh từ trên xuống, tức là các đội bóng phải tuân thủ, mặc dù chẳng ai muốn nghịch cảnh đó xảy đến. Lúc này, các đội bóng Quân đoàn 4, Biên phòng, Quân khu 5, Quân khu 9 và cả đội nữ Phòng không Không quân đang rối bời cảm xúc. Hầu hết các HLV và VĐV đều cho biết họ rất hụt hẫng và điều đó có thể ảnh hưởng đến giai đoạn chuẩn bị cho mùa bóng 2015 sắp diễn ra.

Cách đây cả năm, đã râm ran thông tin về chuyện thu hẹp đầu tư đối với các đội bóng Quân đội vì nhiều lý do, đến giờ thì điều đó đang dần trở thành hiện thực. Năm 2015, các đội bóng vẫn giữ nguyên quân số để thi đấu ở hệ thống giải quốc gia. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2016 sẽ bị siết lại theo chủ trương chung. Các đội bóng không tự chủ được 100% kinh phí thì phải xóa tên trên bản đồ bóng chuyền Việt Nam, giống như cách mà ngành dầu khí từng giải tán 3 đội bóng nam Tập đoàn DKQG và nữ VietsovPetro, nữ XLDK Thái Bình Dương thời gian vừa rồi.

Trên thực tế, các đội bóng chuyền quân đội vẫn sống dựa chủ yếu vào đơn vị chủ quản. Tất nhiên, họ cũng nhận được những khoản tài trợ, nhưng không nhiều. Hy hữu có đội nữ Thông tin được nhà tài trợ Liên Việt Postbank chống lưng cả 10 năm, một phần nhờ vào thành tích rất ổn định (luôn có tên trong 3 hạng đầu quốc gia), phần khác nhờ vào tiềm năng khai thác hình ảnh của mình.

Ngay như đội nam Thể Công - đội bóng giàu truyền thống bậc nhất - cũng chỉ nhận được khoản tài trợ không nhiều từ Binh đoàn 15, hoặc Quân đoàn 4, có được khoản 1 tỷ đồng tài trợ từ doanh nghiệp Becamex ở Bình Dương, trong khi họ cần từ 6-7 tỷ đồng mới trang trải được chi phí cho 1 năm hoạt động.

Như thế vẫn còn may mắn vì các đội bóng còn lại chỉ biết sống dựa vào kinh phí của đơn vị chủ quản, thành thử có muốn xây dựng được lực lượng mạnh để tranh chấp thành tích với bạn bè cũng không được.

Có một điểm là xã hội hóa đối với các đội bóng chuyền Quân đội chẳng dễ dàng gì. Tên thì không đổi được, còn muốn đổi chẳng khác nào chuyển giao thương hiệu cho nhà đầu tư mới, tương tự với việc xóa tên đội bóng.

Cũng có vài phương án được tính đến, trong đó là thành lập CLB Quân đội 2, trực thuộc sự quản lý của Trung tâm TDTT Quốc phòng 2 ở phía Nam, để vừa tập trung nhân lực từ các đội bóng có nguy cơ phải dừng cuộc chơi, vừa duy trì danh tiếng cho bóng chuyền Quân đội. Song, chính những người làm nghề cũng chưa biết chắc phương án đó có được phê duyệt hay không.

Về công tác xã hội hóa trong bóng chuyền, ngoại trừ một vài thương hiệu đã khẳng định được vị thế như Bình Điền Long An, Thông tin LVPostbank hay Ngân hàng Công thương, Tràng An Ninh Bình, đa số đội bóng còn lại đều phải “chạy ăn từng bữa”, năm nay khoác áo nhà tài trợ này, năm sau đã gắn mác Mạnh thường quân khác, thiếu hẳn tính bền vững về tài chính. Phải khéo co, giỏi chắn vén lắm thì may ra với vỏn vẹn vài tỷ đồng, họ mới tồn tại được ở cuộc chơi ngày càng tốn kém hiện nay…

Theo: SGGP
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com