Chiếc áo chuyên nghiệp

09:01, 16/01/2015

Thể thao Việt Nam vẫn chưa chuyên nghiệp. Thực tế này thì chính những chuyên gia đầu ngành cũng đã thừa nhận. Điều đó chỉ tồn tại ở một vài môn (ngoại trừ bóng đá) như cầu lông, cờ vua, quần vợt hay golf. Tức là những trường hợp VĐV có nhà tài trợ, thuê HLV riêng và tự chủ kinh phí, chủ động hoạch định kế hoạch tập luyện, thi đấu xuyên suốt năm cả giải trong nước lẫn quốc tế như Nguyễn Hoàng Thiên, Lý Hoàng Nam (quần vợt), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Lê Quang Liêm (cờ vua)… không nhiều.

Chuyên nghiệp là giấc mơ mà thể thao Việt Nam đang theo đuổi. Nhưng trong một sớm một chiều quả rất khó để thực sự được khoác trên mình chiếc áo đẹp đẽ ấy, bởi lẽ làm thể thao ở Việt Nam có nghĩa phải sống dựa vào “bầu sữa” ngân sách của Tổng cục TDTT, của ngành thể thao các địa phương. Thành thử, những cú đột phá theo hơi hướm chuyên nghiệp mà cầu lông, quần vợt hay cờ vua đang thực hiện vẫn luôn là tấm gương cho những môn thể thao khác học hỏi.

Đúng là khi vẫn chưa thoát khỏi quy định phức tạp của cơ chế làm việc lâu nay, thể thao Việt Nam khó đạt được những bước tiến giống như cách mà Xinh-ga-po, Thái Lan, Ma-lai-xi-a hay In-đô-nê-xi-a đang làm. VĐV ở xứ người được nhà tài trợ chống lưng, gần như lãng quên các giải đấu cấp thấp ở khu vực, để tập trung xây dựng thương hiệu cá nhân (cũng là cho môn thể thao đó) ở tầm châu lục, thế giới.

Cầu lông Ma-lai-xi-a là một thí dụ điển hình. Ít khi người ta thấy tay vợt từng đứng số 1 thế giới như Lee Chong Wei dự SEA Games, thay vào đó là những giải đấu quan trọng như Super Series, World Tour… Tương tự, bóng chuyền nữ Thái Lan ngoại trừ việc phải bảo vệ ngôi vị số 1 ở khu vực, mới cho các tuyển thủ đấu SEA Games. Còn lại, họ tập trung cho đấu trường lớn hoặc chấp nhận “nhả” quân khoác áo các CLB chuyên nghiệp ở châu Âu, châu Á nhằm nâng cao trình độ, rèn luyện bản lĩnh.

Đấy là lý do bóng chuyền nữ Thái Lan trong 4 mùa giải trở lại đây, luôn được đánh giá là cử viên sáng giá nhất cho ngôi hậu châu lục.

Trở lại với câu chuyện học đòi chuyên nghiệp của thể thao Việt Nam. Chính những nhà hoạch định chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực luôn thừa nhận nhân tài không đến mức hiếm hoi, song vì “vướng cơ chế”, vì sự ràng buộc với địa phương nên nhiều khi muốn tạo điều kiện cho VĐV bứt ra để phát triển theo hướng chuyên nghiệp thực sự, nhưng không được.

Đơn cử trong khoảng 10 năm trở lại đây, bóng chuyền có Phạm Kim Huệ, Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Ngô Văn Kiều, Nguyễn Hữu Hà, Từ Thanh Thuận… được các CLB tại In-đô-nê-xi-a, Thái Lan mời sang thi đấu toàn thời gian, mức thù lao cao và được tạo mọi điều kiện liên quan đến học vấn, tương lai.
Tuy nhiên, mặc dù đã “mở cửa”, nhưng các đội bóng cũng chỉ cho phép VĐV của mình thi đấu ngắn hạn, hoặc vừa đấu giải ở nước bạn, vừa dành sức về khoác áo CLB đấu giải trong nước. Chưa có trường hợp nào được đi hẳn, kể từ lần xuất ngoại của chủ công Ngô Văn Kiều sang In-đô-nê-xi-a, Ngọc Hoa và Đỗ Thị Minh, Kim Kiên, Kim Huệ sang Thái Lan.

Nguyên nhân lớn nhất thì ai cũng hiểu, tức là thể thao Việt Nam chưa từ bỏ được thói quen “trói buộc” VĐV vào khuôn khổ, vào những quy định chồng chéo vì sợ mất tài năng và không “tận thu” được thành quả sau nhiều năm đào tạo. Cho mượn VĐV thì được, chứ chuyển nhượng thì dứt khoát không nên mới xảy ra những tranh cãi, xích mích giữa VĐV với CLB, dẫn đến đội bóng đánh mất uy tín còn VĐV thì “dở cười, dở khóc” khi tương lai trở nên mịt mờ./.

Theo: SGGP
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com