Hai vụ lộn xộn xảy ra liên tiếp ở môn Vật trong khuôn khổ Đại hội TDTT toàn quốc 2014 đã gióng lên hồi chuông đối với nhà quản lý thể thao các địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung. Ở đây, điều đầu tiên mà giới quan sát nghĩ đến chính là cách giáo dục ý thức chuyên nghiệp, tinh thần thượng võ cho VĐV từ các HLV đang có vấn đề.
Có một thực tế là lâu nay, công tác giáo dục tư tưởng cho VĐV không được coi trọng bằng chuyên môn ở nhiều môn. Nghĩa là VĐV chỉ dồn sức cho các buổi tập hoặc thi đấu là chính, đến gần ngày bước vào tranh tài mới được HLV nhắc nhở nên VĐV thường hay… quên lời thầy. Ý thức được vun đắp theo thời gian và theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, chứ không phải nhắc 1 lần thì VĐV ghi nhớ ngay lập tức. Chưa kể, sự ảnh hưởng của người thầy trong cách huấn luyện và cả cách sống ngoài đời thường cũng có thể coi như tấm gương cho học trò. Thầy tốt thì trò tốt, còn thầy “có vấn đề” thì dĩ nhiên trò dễ hư.
Giới làm nghề thể thao đã nhiều lần than thở vì bị trọng tài ép đến phải thua tức tưởi ở các đấu trường SEA Games, Asiad… nhưng cách hành xử của nhiều tuyển thủ quốc gia khi đó - theo nguyên Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh - được giáo dục ngay rằng không nên hung hãn hay tỏ ra bạo lực mà hãy tôn trọng đến cùng luật chơi đẹp. HLV hoặc Trưởng đoàn sẽ thay VĐV “nói chuyện phải quấy” với Ban tổ chức giải, với đội ngũ điều hành cuộc chơi.
Đấy là lý do, dù nhiều lần chịu thua thiệt, nhưng trong mắt bạn bè quốc tế, VĐV của Việt Nam ở các môn Võ thuật, Điền kinh, Bóng chuyền, Xe đạp, Bắn súng… được đánh giá là hiền lành, khá trung thực trong thi đấu và thành tích đạt được đều nhờ vào tài năng thực sự.
Tiếc thay, trở về đấu trường trong nước, năng lực kiểm soát hành vi lại không được như thế. Nên nhớ, đô vật Lê Duy Hợi từng khoác áo đội tuyển vật thi đấu ở SEA Games, từng là niềm hy vọng vàng của thể thao Việt Nam. Song, cách hành xử của đô vật này ở Đại hội TDTT toàn quốc phần nào đó làm xấu đi chính hình ảnh mình đã tạo dựng nên trong lòng nhiều người.
Thi đấu thể thao thì luôn cần sự công bằng. Tuy nhiên, không phải lúc nào điều đó cũng tồn tại, đặc biệt ở những sự kiện thể thao quan trọng. Hình ảnh HLV Đinh Văn Kiên của đội tuyển vật Thừa Thiên - Huế lao vào thảm đấu để gây hấn với trọng tài Nguyễn Đức Thọ vì cho rằng điều hành thiếu công bằng, tước cơ hội gỡ gạc thành tích của học trò mình, đã nói lên tất cả. Bản thân người thầy còn không kiểm soát được cảm xúc, chẳng khác nào vẽ đường cho học trò làm ẩu.
Còn nhớ, hồi năm 2012, hai tay vợt bóng bàn Tô Đức Hoàng và Lê Tiến Đạt đã lao vào xô xát ngay tại giải vô địch Đông Nam Á ở Lào, khiến không chỉ bóng bàn mà thể thao Việt Nam cũng có phần mất thể diện. Sau đó, dù vụ việc được xử lý bằng các án kỷ luật nặng đối với cả HLV lẫn VĐV (loại khỏi ĐTQG), nhưng vẫn để lại tiếng xấu và trở thành đề tài đàm tiếu của bóng bàn khu vực. HLV trưởng Nguyễn Đức Long về sau thừa nhận đã không kiểm soát được tình hình, vì trước đó giữa 2 VĐV này đã xảy ra xích mích.
Mỗi HLV có những cách giáo dục VĐV khác nhau, nhưng cuối cùng cũng nhằm mục đích giúp VĐV kiềm chế được sự nóng nảy, không hành động lỗ mãng trước sự quan sát của rất nhiều đồng nghiệp, ngay cả khi bị xử thua trên thảm đấu. Chỉ tiếc rằng điều đó vẫn chưa trở thành trào lưu phổ biến trong làng thể thao Việt Nam. Phải chăng vì thế mà thể thao Việt Nam bị đánh giá là “chuyên nghiệp nửa vời”?
Theo: SGGP