Nói và làm

07:11, 07/11/2014

Sự vội vã ở khâu chuẩn bị lực lượng, những chuyến tập huấn nước ngoài ngắn ngủi… từng khiến thể thao Việt Nam nếm trải thất bại ở các đấu trường Asian Games, Ô-lim-pích trong vòng 10 năm trở lại đây, dù trước vạch xuất phát, giới chức rất mạnh miệng tuyên bố VĐV Việt Nam giàu tiềm năng tranh đoạt HCV.

Lâu dần, người nghe trở nên lãnh cảm với những lời hứa hẹn của giới chức thể thao. Ai cũng thừa hiểu sự chuẩn bị thiếu chu đáo của ngành TDTT cho VĐV trên thực tế không cho phép họ tranh chấp thành tích cao trước các đối thủ cùng khu vực, chưa đề cập đến các cường quốc ở châu Á hay thế giới.

Cá biệt chỉ có vài gương mặt xuất sắc như Phan Thị Hà Thanh (TDDC), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) mới có cơ hội tìm kiếm huy chương ở những sân chơi lớn.

Trong mỗi giải đấu, thể thao Việt Nam vẫn thường xuất hiện những thất bại kiểu “xương máu”. Nhưng sau đó, một vài cuộc họp vội dành cho người trong cuộc không đủ để rút ra những bài học kinh nghiệm, chuẩn bị kỹ càng và có chiều sâu thực sự vì tương lai của thể thao nước nhà. Đấy là chưa kể, mọi thông tin quan trọng thường bị giấu kín trước sự quan tâm của giới truyền thông.

Gần nhất, cuộc họp được cho là nghiêm túc đánh giá lại thất bại ở những môn trọng điểm được kỳ vọng tranh HCV tại Asian Games 2014, trên thực tế theo nhiều người là… chưa nghiêm túc. Thứ nhất, vẫn tồn tại kiểu đổ lỗi lòng vòng trách nhiệm từ bộ môn cho HLV và cả VĐV. Thứ nữa, mọi đánh giá đều rất chung chung và không nêu bật lên được đâu là điểm yếu cố hữu, đâu là phân khúc cần cải tiến để tương lai của thể thao khá hơn.

Thành ra, nhiều nhà chuyên môn uy tín đưa ra luận điểm xác thực rằng thể thao Việt Nam hiện vẫn chưa thoát khỏi tình trạng đầu tư dàn trải và thiếu hiệu quả. Cụ thể, những môn được tính là trọng điểm như điền kinh, bơi lội, bắn súng, cầu lông, TDDC, taekowndo… chỉ đạt đến thành tích cao nhất là HCB tại Asian Games 2014, trong khi môn nằm “ngoài luồng” hệ thống thi đấu Ô-lim-pích như wushu bất ngờ đoạt HCV.

Đáng chú ý nhất là thất bại của tổ chạy tiếp sức 4x400m nữ. Sau chuyến tập huấn nhiều tháng và tốn nhiều tiền của ở Mỹ, giới mộ điệu trông đợi họ bùng nổ thực sự ở Asiad, nhưng rốt cuộc chỉ có Quách Thị Lan thể hiện được tài năng ở nội dung cá nhân 400m.

Thất bại của xạ thủ số 1 thế giới Hoàng Xuân Vinh ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam cũng chỉ ra sự chuẩn bị trước cuộc tranh tài của đội tuyển bắn súng chưa ổn, thiếu chiều sâu và gần như đã tồn tại tư tưởng rằng, Xuân Vinh đã lên đỉnh thế giới thì mặc nhiên sẽ đoạt được HCV châu Á (!?).

Mới đây, Tổng cục TDTT lại đưa ra một đề án khác, tạo cơ chế đào tạo đặc biệt cho khoảng 20 VĐV tài năng ở 7 môn trọng điểm (điền kinh, bơi lội, bắn súng, TDDC, cử tạ, xe đạp và đấu kiếm), với hy vọng đây sẽ là thành phần nòng cốt trong các chiến dịch chinh phục Ô-lim-pích 2016 và Asian Games 2019. Mỗi năm, Tổng cục TDTT dự kiến chi hết 40 tỷ đồng và đang chờ được Bộ VH, TT và DL thẩm định, phê duyệt.

Chưa biết giữa nói và làm có đi đôi với nhau, có đem lại hiệu quả trong tương lai hay không. Nhiều nhà chuyên môn cũng như giới mộ điệu chỉ mong lần này chiến lược đó được làm chỉn chu, đến nơi đến chốn. Sau quá nhiều lời hứa suông và việc làm gây thất vọng, tất cả đang chờ đợi một dấu ấn thực sự từ giới chức thể thao Việt Nam./.

Theo: SGGP
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com