Vấn đề thể lực

07:10, 03/10/2014

Đội tuyển Việt Nam đang tập trung huấn luyện tại Nhật Bản để chuẩn bị cho AFF Cup vào cuối năm nay và một trong những khâu quan trọng nhất của chuyến đi này, đó là rèn thể lực. Quan trọng vậy nên ở chuyến tập huấn, đội tuyển đã được phía Nhật Bản tăng cường chuyên gia thể lực Fujimoto Hiroo, một trong những HLV thể lực hàng đầu Nhật Bản. Trong 20 ngày ở Nhật Bản, ngoài 3 trận đấu giao hữu cùng với các bài tập chiến thuật thì có đến 10 ngày đội sẽ tập trung rèn để nâng cao thể lực cho cầu thủ.

Thể lực dường như vẫn luôn là điểm yếu của các đội tuyển Việt Nam qua các thời kỳ. Ngay đến lứa U.19 đang thi đấu khá tốt hiện nay và được huấn luyện bài bản cùng sự hỗ trợ của chuyên gia dinh dưỡng thì thể lực trong các trận đấu với các đối thủ ngang tầm vẫn là vấn đề. Mới đây, bầu Đức cũng đã phải thuê thêm một HLV thể lực người Pháp về làm việc với mục tiêu giải quyết điểm yếu này cho các học trò. Trước đây, để chuẩn bị cho AFF Cup 2012, đội tuyển quốc gia cũng đã mời một chuyên gia thể lực hẳn hoi, đó là chuyên gia người Anh Dylan Kerr. Đây chính là người khá thành công với vai trò này ở CLB Khánh Hòa trước đó. Tuy nhiên, dù có chuyên gia ngoại phụ trách chuyện sức khỏe nhưng đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup năm đó cũng không thành công mà một trong những nguyên nhân chính vẫn là… thể lực.

Không ít ý kiến hay lấy lý do các cầu thủ Việt Nam có thể hình thua kém đối thủ để biện minh cho các trận thua hoặc thường thất bại trong các tình huống tranh đua sức bền. Có lẽ, đó là lý do… dễ dẫn nhất, nhưng lại ngô nghê nhất. Bóng đá hiện đại dường như không còn ranh giới rạch ròi về thể hình của cầu thủ. Không ít ngôi sao thế giới có thể hình khá khiêm tốn. Messi luôn là cầu thủ thấp bé nhất trên sân, nhưng hiếm cầu thủ nào có thể bắt kịp anh về độ khéo léo, những pha bức tốc độ hay sự “cày ải” trên sân. Ở Việt Nam, một thời Văn Sỹ Hùng với thể hình hết sức “khiêm tốn” nhưng lại được các đối thủ trong khu vực gọi là “little boy Việt Nam” bởi sự khéo léo và bền bỉ trong các pha uy hiếp khung thành đối phương.

Vậy nên, sức bền thể lực phần lớn phụ thuộc vào phương pháp tập luyện một cách khoa học và sự tự giác của từng cá nhân cầu thủ. Với các cầu thủ chuyên nghiệp, không có chuyện phung phí sức bằng rượu bia, thuốc lá hay các cuộc ăn chơi thâu đêm. Thỉnh thoảng chúng ta chứng kiến hình ảnh các ngôi sao bóng đá Anh “ăn chơi” trong các quán bar thực tế là những lần hy hữu và sự “ăn chơi” đó không giống như các trận nhậu be bét của không ít cầu thủ đang chơi ở V-League. Một chuyên gia dinh dưỡng lắc đầu ngao ngán khi nhắc đến chuyện sức bền của cầu thủ Việt, bởi việc có được thể lực tốt không khó bằng việc giữ và duy trì nó như thế nào. Một khi cầu thủ tự ý thức được điều này, ăn uống, sinh hoạt điều độ, khoa học, không phung phí sức khỏe vào các cuộc ăn chơi thì chắc chắn đội tuyển sẽ không còn quá bận tâm đến vấn đề thể lực ở mỗi giải đấu.

Hy vọng lần này, chuyên gia Fujimoto Hiroo sẽ giúp cải thiện tốt thể lực cầu thủ. Hơn thế nữa, ông và các cộng sự của mình có thể truyền lại những bài học về ý thức của một cầu thủ chuyên nghiệp cho các học trò để đội tuyển không còn phải lo ngai ngái về thể lực ở mỗi lần tập trung./.

Theo: SGGP
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com