Rút kinh nghiệm kiểu gì?

08:10, 17/10/2014
Sau Asiad 17, người hâm mộ thể thao Việt Nam đang bị cuốn theo cuộc hành trình của đội tuyển bóng đá U.19 quốc gia ở Cúp châu Á, mà quên mất câu chuyện ngành TDTT đã nghiêm túc nhìn nhận lại thất bại vừa qua để chuẩn bị nguồn nhân lực đàng hoàng hơn cho sân chơi Ô-lim-pích 2016 hay chưa.
 
Từng nghe rằng sẽ có, song trong tháng này hay lâu hơn nữa còn phải đợi lãnh đạo ngành “sắp xếp thời gian cho phù hợp”, trong khi đó là việc cần làm ngay, thẳng thắn mổ xẻ sai lầm trước khi nó lắng xuống. Quan trọng hơn, điều đó sẽ thể hiện sự chuyển biến tích cực về tư duy, chứ không lẩn tránh trách nhiệm như trước kia.
 
Có những mặt được ở In-chơn 2014, thể hiện qua sự nỗ lực của các VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Phan Thị Hà Thanh (thể dục), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Quách Thị Lan (điền kinh)… Nhưng cũng tồn tại nhiều bất ổn trong cách chọn lựa đầu tư mang tính trọng điểm cho nhóm những môn được xem là mũi nhọn của thể thao Việt Nam, hoặc trông đợi thành tích quá lố vào nhóm môn như wushu, cầu mây.
 
Dư luận không trông đợi một cuộc họp rút kinh nghiệm diễn ra chóng vánh và cho xong nhiệm vụ giữa những người làm thể thao với nhau, để rồi tiếp tục coi thất bại ở Asiad 17 giống “bài học xương máu” tương tự như sau Asiad 16, sau Ô-lim-pích Luân-đôn 2012. Mà người ta kỳ vọng, ngành TDTT chịu khó lắng nghe dư luận, đón nhận những đánh giá thẳng thắn từ nhiều chuyên gia từng là cốt cán của ngành, đồng thời sẽ chuẩn bị kế sách gì cho một cuộc đua mới còn gay cấn hơn ở phía trước.
 
Thất bại thì lâu nay thể thao Việt Nam đã nếm trải nhiều rồi. Mỗi lần mỗi vẻ, nhưng về cơ bản, vẫn xoay quanh các vấn đề chính là chuẩn bị nhân lực thiếu chiều sâu, đánh giá đối thủ chưa kỹ lưỡng và trình độ chuyên môn của VĐV Việt Nam chưa đủ tầm tranh chấp HCV với bạn bè.
 
Nhưng chẳng lẽ cứ thua mãi? Chẳng lẽ cứ luôn phải ca bài “hy vọng vào tương lai”? Mà bàn về nguồn nhân lực, lãnh đạo ngành TDTT hay kể cả dư luận cũng chung quan điểm thể thao Việt Nam không thiếu thốn tài năng đến mức không biết trông cậy vào ai.
 
Chẳng hạn, thể dục dụng cụ có Hà Thanh từng vô địch World Cup 2 lần liên tiếp; bắn súng có Hoàng Xuân Vinh từng ngự trị trên ngôi vị số 1 thế giới; cầu lông có tay vợt Nguyễn Tiến Minh lọt vào tốp 5 thế giới; cử tạ có Hoàng Anh Tuấn và Thạch Kim Tuấn gây tiếng vang ở Ô-lim-pích cũng như giải vô địch thế giới…
 
Tức là dù không “hằng hà sa số” nhưng thể thao Việt Nam vẫn có những nhân tố đạt đến đẳng cấp hàng đầu thế giới, rất đáng tin cậy trước mỗi chuyến xuất ngoại. Điều còn thiếu, theo đánh giá của đa số nhà chuyên môn, chỉ là phương cách đầu tư cho một vài môn mũi nhọn chưa rõ ràng, vẫn lấn cấn giữa tư duy thời vụ và chiến lược dài hơi.
 
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam ở nhiều đại hội cấp châu lục và thế giới trước đây - từng đưa ra đánh giá rất thẳng rằng, nhiều VĐV Việt Nam có khả năng nhưng đến một trình độ nào đó thì chững lại, không phát triển nữa. Nên để có vị thế xứng đáng ở cấp châu lục và thế giới, thể thao Việt Nam cần tập trung cao độ với một đường hướng mới, sự tính toán sâu sắc và cải tiến triệt để cách làm, cách ứng dụng khoa học kỹ thuật cho từng môn, phù hợp với từng VĐV./.
 
Theo: SGGP
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com