1. Không có giải vô địch quốc gia nào chỉ toàn những đội muốn vô địch. Ở đâu thì cũng luôn có 3 nhóm: Ứng cử viên - kẻ phá bĩnh và chỉ cần trụ hạng. Trước đây, tại Việt Nam cũng thế. Chức vô địch chỉ là chuyện của một vài đội bóng có truyền thống. Thế nên suốt 20 năm, từ mùa giải đầu tiên năm 1980 đến khi V-League ra đời chỉ mới có 10 cái tên lên ngôi vô địch. Thời bóng đá bao cấp, có những đội chỉ chuyên đá trụ hạng như “vua trụ hạng” Khánh Hòa. Nói chung, mỗi đội đều biết sức mình mà tự hài lòng với vị trí mình có trong mỗi mùa giải.
Chỉ đến kỷ nguyên V-League mới có chuyện nhiều đội bóng cùng tham vọng vô địch. Mới tinh tươm, vừa thăng hạng đã muốn vô địch. Gần như đó là mục đích duy nhất để người ta làm bóng đá chuyên nghiệp. Điều này đương nhiên đáng để cổ vũ, chỉ có điều cách người ta thực hiện thì không ổn. Tung tiền ra thật nhiều, đặt mục tiêu vô địch, không được thì kiểu gì cũng “nghỉ chơi”.
Lý do? Vì ngoài chức vô địch ra, hầu như bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam không đem lại gì hiệu quả. Ở nước ngoài, thăng hạng đồng nghĩa với có thêm doanh thu trong khi ở Việt Nam thì ngược lại, chỉ tăng thêm chi phí. Năm nào cũng mất trắng vài chục tỷ đồng, cũng phải chạy tiền đến mệt người, thế thì đá trụ hạng để làm gì? Cố gắng 1-2 năm thì được, không thể có chuyện cả chục năm trời chỉ tiêu tốn tiền bạc mà không thu được gì. Thế nên, cứ bị xuống hạng là người ta lại nghĩ ngay đến chuyện xóa sổ luôn đội bóng cho nhẹ gánh.
2. Điều đáng buồn cười là cho đến nay, các nhà quản lý bóng đá vẫn cho rằng doanh nghiệp tham gia tài trợ bóng đá có những cái lợi vô hình về mặt thương hiệu. Đại loại như bỏ ra vài chục tỷ đồng để được nhiều người biết đến thương hiệu cũng là một món lời. Cách suy nghĩ ấy đã lỗi thời bởi với số tiền đó, đâu thiếu gì cách để quảng bá thương hiệu tốt hơn nhiều.
Rồi bây giờ người ta lại cho rằng, cứ đá hay, đá sạch, đá đẹp thì thu hút được khán giả và sẽ đem về doanh thu. Đúng là vậy. Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết và cũng chẳng có ai tính ra được bao lâu thì mới thu được tiền từ điều đó. Chẳng có ông chủ nào lại muốn CLB mình đá xấu, tiêu cực cả, nhưng để đá hay, đá sạch là chuyện không phải nói là được. Hiện tại, doanh thu từ bán vé không đủ bù cho chi phí tổ chức thi đấu, tiền tài trợ - quảng cáo không đủ để trả lương, khoản thu lớn nhất từ bản quyền truyền hình thì chính các nhà tổ chức còn không tìm ra nổi, thế thì làm sao chứng minh rằng đá hay, đá đẹp sẽ giúp CLB tồn tại?
Bất kỳ giải bóng đá nào cũng có 3 loại mục tiêu như đã kể trên, làm sao để mỗi đội bóng có thể “sống” được với những mục tiêu đó là chuyện của các nhà quản lý. Trường hợp của Đồng Tháp cho thấy dù đã tự đóng khung mục tiêu của mình là trụ hạng nhưng chỉ vì thiếu tiền, họ cũng đành phải xóa sổ dù Đồng Tháp không thiếu khán giả, không thiếu khao khát và cũng chưa có ai nói Đồng Tháp không đá hay, đá đẹp cả…
Theo: SGGP