Nếu nói về chuyện làm ăn khấm khá, ngoài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), ít có liên đoàn thể thao nào theo kịp, mặc dù ở Việt Nam có khá nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp như vậy (tính riêng trong lĩnh vực thể thao) đang tồn tại.
Điều này không khó lý giải khi bóng đá được cho là môn thể thao vua, gần gũi với cộng đồng và từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần đúng nghĩa đối với mọi tầng lớp trong xã hội. Tức là khi sức lan tỏa của bóng đá mạnh mẽ sẽ kéo theo những yếu tố khác: sự quan tâm lớn hơn và khả năng vận động tài trợ để tổ chức các giải đấu cũng dễ dàng hơn.
Giới làm thể thao luôn mơ ước các liên đoàn thể thao khác cũng làm được như bóng đá, thậm chí bằng một góc cũng đã tốt lắm rồi. Tiếc rằng, có những liên đoàn vốn được cho là mạnh, chỉ đứng sau VFF về sức thu hút và lượng CĐV như bóng chuyền, bóng bàn, điền kinh, bóng rổ… chưa thể khá lên nổi, chủ yếu vì năng lực quản lý của nhà điều hành còn yếu.
Đơn cử, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) trong khoảng gần 10 năm trở lại đây đã khoác lên mình bộ áo tươi mới, có những bước chuyển đáng kể về chất lượng các cuộc tranh tài cũng như khả năng vận động tài trợ. Tuy nhiên, thay vì tiến theo đà hoạch định, vừa làm vừa học hỏi nền bóng chuyền mạnh trong khu vực như Thái Lan thì tương lai rồi sẽ ổn, VFV lại đi theo lối riêng, đánh mất dần bản sắc và uy tín vì năng lực quản lý không đáp ứng được sự kỳ vọng của chính người trong giới, chứ chưa bàn đến chuyện thu hút sự quan tâm của giới mộ điệu.
Bóng chuyền vốn là môn chơi đẹp, giàu tính tập thể và nếu biết cách khai thác khía cạnh này theo chiều hướng tích cực, giới chức VFV có thể ung dung tận hưởng sản phẩm tốt mà mình tạo ra, chẳng hạn như những giải đấu truyền thống VTV Cup, Bình Điền Cup, giải VĐQG… Tiếc rằng, VFV thời gian gần đây để xảy ra nhiều điều tiếng, rất thiếu chuyên nghiệp cả trong công tác điều hành chuyên môn lẫn năng lực đối ngoại ở các sân chơi quốc tế. Hai sự việc liên tiếp xảy ra gần đây - các ĐTQG không được dự Asian Games 17 và đội tuyển U.17 nữ quốc gia bị xử thua nhiều trận vì vi phạm điều lệ giải châu Á - là những minh chứng rõ ràng nhất. Đấy là chưa kể, VFV vốn đông người nhưng lâu nay bị cho là liên đoàn hoạt động lộn xộn nhất vì để một vài cá nhân chi phối, phủ nhận hầu hết vai trò của các ủy viên.
Liên đoàn Bóng bàn hay Liên đoàn Điền kinh cũng thường xuyên xảy ra khúc mắc, chủ yếu là do đội ngũ quản lý thiếu ăn khớp trong phối hợp công việc, không dung hòa được mối quan hệ giữa bộ môn thuộc Tổng cục TDTT (về quản lý Nhà nước) với nhà điều hành liên đoàn (về tổ chức xã hội nghề nghiệp). Khi sai sót, người ta dễ dàng đổ lỗi cho… cơ chế, nhưng nếu nhìn nhận thấu đáo thì cơ chế do chính con người xây dựng nên, hoàn toàn có thể thay đổi để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Quan trọng là cách mà tổ chức xã hội nghề nghiệp như các liên đoàn vận dụng và biến thể nó ra sao để vừa gia tăng uy tín cho những cá nhân tham gia, vừa nâng bước thể thao Việt Nam phát triển.
Thành thử, về hình thức, nhìn có vẻ các liên đoàn đang hoạt động “xuôi chèo, mát mái”, nhưng kỳ thực không thể cho là mạnh được, vì dần dà những nhà đầu tư - chủ yếu là doanh nghiệp - vốn rất mặn mà với các liên đoàn, đã bắt đầu tháo chạy hoặc từ chối khéo khi được mời tiếp tục gắn bó để tránh bị dư luận, giới truyền thông chỉ trích khi phát sinh những rắc rối, vụ việc làm ảnh hưởng đến uy tín của họ trên thương trường./.
Theo: SGGP