Thất bại cần thiết

08:08, 29/08/2014

Chưa đầy một năm, đội tuyển U.19 Việt Nam dự 2 trận chung kết, gặp đội tuyển U.19 In-đô-nê-xi-a ở Giải U.19 Đông Nam Á năm 2013 và gặp U.19 Mi-an-ma tại Giải bóng đá U.22 Đông Nam Á - Hassanal Bolkiah Cup hay còn được gọi là Cúp nhà vua Bru-nây năm 2014. Qua từng giải đấu, đội tuyển U.19 Việt Nam đang cho thấy sự tiến bộ rõ rệt và lứa cầu thủ này hứa hẹn là niềm hy vọng của bóng đá Việt Nam trong tương lai gần. Tuy nhiên, ở cả hai trận chung kết, đội tuyển của chúng ta đều thua, khiến những người yêu mến bóng đá nước nhà không khỏi băn khoăn, lo lắng... bởi cách làm bóng đá theo kiểu “ăn xổi” của những người có trách nhiệm. Có một thực tế, học viện bóng đá Arsenal khi đặt cơ sở đào tạo bóng đá ở Việt Nam, không gì khác hơn là nhằm sản sinh ra những cầu thủ xuất sắc. Những cá nhân này khi ra trường sẽ là nguồn cung cấp cầu thủ có chất lượng cho các giải đấu trong nước và quốc tế. Và, lứa học viên đầu tiên của Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG là một lứa cầu thủ nổi trội. Đây là một thành tích không thể phủ nhận của học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG đóng góp trong công tác đào tạo trẻ cho bóng đá Việt Nam. Nhưng rõ ràng trên thực tế chưa bao giờ có một đội tuyển “học viện Arsenal” mà chỉ có các cầu thủ từ lò đào tạo Arsenal thi đấu thành công cho các CLB. Bởi một điều đơn giản, học viện Arsenal không đào tạo đội bóng, họ chỉ đào tạo cầu thủ mà thôi. Nếu lứa học viên khóa đầu tiên của học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG tiếp tục được nhìn nhận theo định hướng trên, họ sẽ còn phát triển rất nhiều bởi cho đến giai đoạn này họ mới chỉ xong phần kỹ thuật, còn vấn đề thể hình và rèn tư duy kỹ, chiến thuật vẫn còn ở phía trước… Vậy nhưng, trước sự phấn khích quá mức và nghĩ rằng đây là “cứu tinh” cho bóng đá Việt Nam, những người làm bóng đá Việt Nam đã vội vàng “gán” cho các học viên này thành một đội tuyển quốc gia ở lứa U.19. Ngay lúc ấy, rất nhiều ý kiến phản đối, nhưng trong “men say” người ta bất chấp ý kiến của những chuyên gia vốn am hiểu hơn. Người ta còn đặt ra các mốc như vào chung kết U.20 thế giới, thậm chí một vị lãnh đạo VFF còn hào hứng nghĩ chuyện lứa cầu thủ này sẽ có mặt ở World Cup 2018!

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Bóng đá nước ta sẽ mạnh hơn nếu biết tập hợp thêm những tài năng từ những trung tâm bóng đá khác thay vì chỉ “đặt hết niềm tin” vào học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG. Sự có mặt của Quang Hải (U.19 Hà Nội T&T) và Tuấn Tài (U.19 Sông Lam Nghệ An) đã cho thấy rất rõ điều này. Xem các cầu thủ đội tuyển U.19 thi đấu rất hay nhưng dễ dàng nhận thấy họ không thực sự chắc chắn! Điều này hoàn toàn không thể trách các cầu thủ hay trách học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG, mà đáng trách là những người quyết định gán cho các cầu thủ của một học viện này thành đội tuyển quốc gia. Rõ ràng, một đội tuyển quốc gia không phải là một học viện, nó phải là tập hợp của tất cả các tài năng từ các CLB, các trung tâm đào tạo bóng đá của cả nước. Việc thành lập đội tuyển quốc gia ở bất kỳ lứa tuổi nào đều phụ thuộc vào quy hoạch phát triển cả nền bóng đá chứ không thể được quyết theo kiểu “hái ngọn” mà không bỏ công sức ra gây dựng từ “gốc”. Người hâm mộ bóng đá nước nhà mừng vì có thêm nhiều cầu thủ tài năng nhưng lại lo bởi những người đang nắm giữ vai trò quyết định đối với bóng đá Việt Nam lại làm việc theo kiểu cảm tính như vậy./.

Khôi Nguyên (tổng hợp)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com