Giành ngôi đầu toàn đoàn Giải điền kinh quốc tế TP Hồ Chí Minh năm 2014 vừa qua với tám Huy chương vàng (HCV), bốn Huy chương bạc (HCB) và năm Huy chương đồng (HCÐ), nhưng lãnh đạo bộ môn điền kinh của Tổng cục Thể dục - Thể thao và Liên đoàn Ðiền kinh Việt Nam thật sự lấy đấy làm điều lo lắng. Vì sao có chuyện ngược đời như vậy?
Vũ Thị Hương (giữa) giành Huy chương vàng chạy 100 m nữ tại Giải điền kinh quốc tế TP Hồ Chí Minh năm 2014. |
Mặc dù có được thành tích cao như đã nêu, song nhìn lại thì quả là giải đấu không được như mong muốn đề ra khi Ðại hội thể thao châu Á lần thứ 17 - năm 2014 (ASIAD 17) đã cận kề. Có khoảng gần 100 vận động viên (VÐV) của các nước và vùng lãnh thổ châu Á tham dự cùng hơn 400 VÐV Việt Nam, trong đó có nhiều VÐV đến từ những nước mạnh về điền kinh. Ban tổ chức nước chủ nhà hy vọng đây sẽ là một kỳ thi đấu "cọ xát" thêm kinh nghiệm cho các tuyển thủ điền kinh Việt Nam, song sự thật lại không như thế bởi phần lớn đội tuyển mà các nước cử đến dự giải chủ yếu là các VÐV dự bị hoặc thuộc lớp VÐV trẻ, VÐV năng khiếu chứ không phải các tuyển thủ sẽ tham gia ASIAD 17. Có một số VÐV "nặng ký" hơn của một vài nước trong khu vực Ðông - Nam Á lại không phải xuất sắc bởi đã từng thất bại trước các VÐV nước ta. Cũng chính vì vậy, những tấm HCV mà các VÐV của chúng ta có được ở giải đấu chưa nói lên đúng thực lực của điền kinh Việt Nam so với điền kinh châu lục.
Ở giải đấu này, ngoài VÐV như Bùi Thị Thu Thảo xứng đáng giành được tấm vé dự ASIAD 17 tại In-chơn (Hàn Quốc) với mức nhảy xa vượt cả thành tích của cựu vô địch châu Á và đương kim kỷ lục SEA Games là vận động viên Tô-rét (Phi-li-pin), còn những thông số thành tích của các VÐV nước ta thuộc mức "nhàng nhàng". Ngay cả "Nữ hoàng" tốc độ Vũ Thị Hương vô địch ở cả cự ly chạy 100 m và 200m tại giải cũng chỉ có thành tích gần với tới thành tích của chị tại SEA Games 27. Còn những HCV của Duy Bằng ở nhảy cao, Ðỗ Thị Thảo chạy 800 m hay của Phạm Thị Diễm nhảy cao đều dưới mức thành tích của chính họ ở các giải đấu trước đó. Không xuất hiện những nhân tố mới có khả năng kế cận các VÐV xuất sắc lớp trước, điền kinh Việt Nam vẫn phải kỳ vọng vào "Nữ hoàng" Vũ Thị Hương (100m và 200m nữ) và các VÐV như nhóm chạy tiếp sức 4x400m nữ: Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Thúy, Ðỗ Thị Thảo (800 m và 1.500 m nữ), Trần Huệ Hoa (nhảy ba bước nữ), Dương Thị Việt Anh (nhảy cao), Nguyễn Thị Thanh Phúc (20 km đi bộ nữ)...
Nói thì như thế, nhưng đến giờ này, lãnh đạo bộ môn điền kinh và ngay cả một số VÐV nêu trên cũng không dám tin vào khả năng của chính mình và không dám đặt ra chỉ tiêu giành HCV ở ASIAD 17 sắp tới. Ðó cũng là một phần của lý do việc họ không được quan tâm đầu tư đặc biệt như một số VÐV bơi lội và cũng không đủ điều kiện để ngành thể thao tổ chức đưa đi tập huấn ở nước ngoài. Một thí dụ để minh chứng là "Nữ hoàng" của đường chạy ngắn ở Việt Nam và là niềm hy vọng huy chương tại ASIAD 17, song VÐV Vũ Thị Hương từ đầu năm đến nay thường chỉ quanh quẩn tập luyện trong nước và ít được tham gia những giải đấu quốc tế để kiểm tra thực lực, tìm hiểu đối thủ cạnh tranh, chuẩn bị cho cuộc tranh tài tại In-chơn sắp tới. Trong khi đó, việc cọ xát và tìm hiểu thông tin về đối thủ là điều cần thiết nếu muốn có huy chương tại đấu trường châu lục. Tuy nhiên, tập huấn ở nước ngoài chỉ là một trong những yếu tố để bảo đảm cho thành tích tốt của VÐV chứ không nhất thiết. Ðiều quan trọng là VÐV phải được đầu tư trang thiết bị và cơ sở tập luyện đầy đủ và có chuyên gia dày dạn kinh nghiệm đến từ những nước có nền thể thao, điền kinh phát triển sang huấn luyện bên cạnh việc kết hợp thi đấu ở các giải quốc tế. Việc tập huấn phải có kế hoạch từ trước và tính toán cụ thể về thời gian, địa điểm, huấn luyện viên, chứ không thể thực hiện kiểu như trước thềm SEA Games 2013 khi một loạt chuyến tập huấn của VÐV điền kinh Việt Nam đã phải bỏ dở.
Ðiền kinh Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực Ðông - Nam Á và là một trong những bộ môn đặt ra mục tiêu giành huy chương ASIAD 17, nhưng với cách làm "ngắn hạn" như hiện nay, xem chừng mục tiêu đó có vẻ không thật chắc chắn. Ðạt thành tích cao và duy trì thành tích bền vững cần có một chiến lược, một tầm nhìn lâu dài, trong đó đặc biệt phải chú trọng công tác xây dựng thể thao cơ sở, là chỗ dựa để tìm kiếm và đào tạo trẻ cho đội tuyển quốc gia.
Theo nhandan.com.vn